Rau sam chữa bệnh

Rau sam có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tốt. Rau sam giã muối, lấy nước cốt uống tẩy giun kim rất công hiệu.

Cây sam thuộc loại cây cỏ mọc bò. Thân mập, mọng nước, mầu đỏ tím nhạt. Lá mọc so le, dày, mép có viền đỏ. Hoa mầu vàng. Cây thường mọc tự nhiên ở đất ẩm, vùng bãi sông, bãi hoang quanh làng, xung quanh vườn.

 

Dân gian từ lâu đã dùng rau sam ăn sống thay xà lách, luộc hoặc nấu canh ăn cho mát.

 

Theo y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính lạnh mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, làm săn, sát khuẩn, lợi tiểu.

 

Có thể dùng rau sam theo những công dụng sau:

 

- Phòng cảm nắng, say nắng, mụn nhọt, rôm sảy, nóng trong, nước tiểu đỏ

 

Hái cả cây rau sam, rửa sạch, ăn thay rau sống hằng ngày hoặc luộc, nấu canh.

 

Có thể làm sirô rau sam theo cách sau: Rau sam tươi (1kg) rửa sạch, ép lấy nước. Thêm nước cho đủ một lít, lọc, cho đường (1.500g) vào, đun sôi nhẹ cho tan đường. Để nguội. Khi dùng, pha sirô rau sam với nước đun sôi để nguội cho vừa khẩu vị để làm nước giải khát.

 

- Chữa kiết lỵ

 

Rau sam (100g), cỏ sữa lá nhỏ (100g) sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Dùng 5-7 ngày. (nếu thấy có máu, thêm cỏ nhọ nồi).

 

- Chữa giun kim

 

Rau sam (50g) để tươi, rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, rồi vắt kiệt nước cốt. Uống vào buổi tối trước khi đi ngủ trong 3 ngày liền. Có thể thêm đường cho dễ uống.

 

Ngoài ra, dùng ngoài, lá rau sam giã nhỏ với lá cỏ xước, đắp chữa đinh râu. Hằng ngày, nhai rau sam với muối, ngậm rồi nhổ nước chữa viêm lợi, viêm chân răng có mủ. Rau sam giã nát hòa với lòng trắng trứng, đắp, chữa sa dạ con.

  

Theo Dược sĩ  Đỗ Huy Bích

Sách Thuốc từ cây cỏ và động vật