Ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy

(Dân trí) - Ngày 10/3, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy

Trung tâm là tổ chức khoa học, hoạt động phi lợi nhuận và chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý người sử dụng ma túy, HIV/AIDS để từ đó đưa ra các dự án phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trong học đường có hiệu quả hơn, đưa ra các phác đồ điều trị tâm lý cho người nghiện ma túy cai nghiện thành công mang tính bền vững.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy là ông Lê Trung Tuấn, người đã từng hơn 6 năm sử dụng ma túy, đến nay đã ngừng sử dụng được 13 năm.

Hình ảnh lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma tuý tại Hà Nội
Hình ảnh lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma tuý tại Hà Nội

Ông Tuấn cho biết: “Qua nghiên cứu cho thấy nghiện ma túy được coi như một căn bệnh về não bộ và hệ thống thần kinh, do đó việc điều trị phải kết hợp với các trung tâm cai nghiện để đưa ra những bài thuốc cắt cơn và giải độc cơ thể. Đến giai đoạn hai, chúng tôi mới thực hiện quá trình trị liệu lâu dài về mặt tâm lí. Việc này, cần phải có phác đồ điều trị thích hợp mới thành công. Do đó nhiều học viên sau khi ra khỏi Trung tâm cai nghiện đều tái nghiện”.

Theo lời ông Tuấn, hiện nay một bộ phận giới trẻ đang lạm dụng ma túy “đá”, nhiều người cho rằng ma túy “đá” không gây nghiện nhưng qua nghiên cứu thì độ nguy hiểm còn vượt gấp khoảng 20 lần heroin thông thường.

Ma túy “đá” đã len lỏi vào tới các trường học nhưng phụ huynh hầu như không thể phát hiện được, bởi người sử dụng ma túy “đá” không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng. Chỉ khi sau vài năm sử dụng, hệ thống thần kinh bị phá hỏng hoàn toàn, con cái sẵn sàng cầm dao đi giết người thì bố mẹ mới tá hỏa thì đã muộn…

“Theo khảo sát trên 20.000 học sinh sinh viên thì có khoảng 93% trong số đó hoàn toàn không biết gì về ma túy. Biện pháp mà Trung tâm đưa ra để phối hợp với nhà trường và gia đình để bước đầu đẩy lùi ma túy là tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết về những tác hại của ma túy. Từ đó hỗ trợ, giúp đỡ các em nhận thức thật sâu về ma túy. Song song với đó, phải tập huấn cho chính phụ huynh về cách nhận biết con em mình đã sử dụng ma túy hay chưa, nghiện ở mức độ nào, mới đưa ra phác đồ điều trị, cai nghiện thích hợp”, ông Tuấn chia sẻ.

Quốc Cường