Quảng Nam bùng phát dịch sốt xuất huyết

(Dân trí) - Mặc dù so với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh giảm nhưng trong 3 tháng 9, 10 và 11, tình hình dịch bệnh tại tỉnh diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, nhiều, nhất là tại các huyện Tây Giang, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.

Ngày 12/11, trao đổi với PV Dân trí, Bác sĩ Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho hay, từ cuối tháng 8 đến nay, số ca mắc SXH tăng mạnh tại huyện Tây Giang, tăng 73 ca so với năm 2017 (năm 2017, huyện Tây Giang không có ca SXH nào) và thị xã Điện Bàn tăng 17,98% (1.118/1.001).

Phun hóa chất phòng trừ bệnh SXH bùng phát ở huyện Tây Giang, Quảng Nam
Phun hóa chất phòng trừ bệnh SXH bùng phát ở huyện Tây Giang, Quảng Nam

Đặc biệt, số ca mắc SXH tại Điện Bàn chiếm 50,8% số ca mắc trên toàn tỉnh (1.378ca/2.711ca). So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc tăng 27,5% (1.378/1.081). Số ca mắc tập trung chủ yếu tại các xã Điện Thọ, Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam... và rơi vào các tháng 8, 9, 10 và 11.

Tại huyện Tiên Phước và Phú Ninh, cố ca mắc SXH cũng tăng chủ yếu trong các tháng 9 và 10. Tại huyện Phú Ninh, số ca bệnh tập trung tại xã Tam An (chiếm trên 85% số ca mắc toàn huyện). Tại huyện Tiên Phước, SXH xảy ra chủ yếu tại xã Tiên Thọ và thị trấn Tiên Kỳ.

Nguyên nhân SXH gia tăng và kéo dài, theo Bác sĩ Văn cho biết, do lần đầu xuất hiện tại Tây Giang nên cán bộ y tế lúng túng trong chẩn đoán những ca ban đầu; hơn nữa cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý các ổ dịch bệnh SXH và người dân chưa biết được các thông tin liên quan đến việc phòng chống bệnh SXH.

“Chính quyền và các Ban, ngành, Đoàn thể các cấp, huyện xã chưa thực sự vào cuộc, triển khai các biện pháp chưa đồng bộ, quyết liệt; một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy…”, Bác sĩ Văn thông tin.

Bên canh đó, việc triển khai các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật thiếu hiệu quả, chỉ định diện phun hóa chất chưa sát tình hình, thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phun hóa chất và giải quyết triệt để các ổ bọ gậy tại cộng đồng. Năng lực phòng chống dịch bệnh SXH của cán bộ y tế các tuyến còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Về các biện pháp đã triển khai phòng chống dịch SXH hiện này, Bác sĩ cho hay, Sở Y tế phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo phòng chống dịch SXH chỉ đạo các Ban, Ngành, Đoàn thể tham gia; đảm bảo hóa chất, kinh phí chống dịch tại huyện.

Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy và các nội dung liên quan phòng chống bệnh SXH; tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị ca bệnh cho cán bộ y tế tập huấn, mua test chẩn đoán nhanh SXH; tăng cường năng lực phòng chống dịch SXH, tập huấn giám sát muỗi/bọ gậy, kỹ thuật phun hóa chất, các biện pháp diệt quăng, bọ gậy...

“Trong thời gian đến, Sở tiếp tục chỉ đạo công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh SXH tại các địa bàn trọng điểm, các dịch bệnh có thể gia tăng/phát sinh sau bão lụt, chuẩn bị và đảm bảo các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp với các địa phương trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh”, Bác sĩ Văn cho biết.

C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm