TPHCM:

Quản lý chợ hóa chất đầu mối Kim Biên: Chồng chéo, nhập nhằng!

(Dân trí) - Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, thành viên của ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM: Kinh doanh hóa chất nhập nhằng như hiện nay dễ tạo nguy cơ ảnh hưởng xấu sức khỏe người tiêu dùng…

Kinh doanh hóa chất phụ gia tại một cửa hàng thuộc khu chợ Kim Biên
Kinh doanh hóa chất phụ gia tại một cửa hàng thuộc khu chợ Kim Biên


Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, bà Trịnh Thị Phương Thảo, Phó phòng Y tế (Quận 5), cho biết: “Hiện nay, 17 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong chợ Kim Biên. Các hộ này trước đây đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đã hết hạn từ năm 2012. Chúng tôi đã hướng dẫn các hộ kinh doanh hoàn chỉnh lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận.

Các hộ kinh doanh có sử dụng nhãn phụ chỉ được phép bán phụ gia thực phẩm ở dạng nguyên gói, nhưng trong quá trình kinh doanh, họ vẫn tự ý sang chiết ra các bao nhỏ. Đồng thời các hộ kinh doanh cũng khó sửa chữa, nâng cấp mặt bằng để đáp ứng đủ điều kiện xin giấp phép.”

Ghi nhận thực tế tình hình buôn bán ở chợ khá phức tạp, từ những sạp kinh doanh trong chợ đến các công ty kinh doanh hóa chất ở ngoài đường, dọc theo hai bên đường Vạn Tượng… đang kinh doanh một cách lẫn lộn, nhập nhằng giữa hóa chất công nghiệp vừa bán phụ gia thực phẩm. Không chỉ thế, người kinh doanh hóa chất vẫn theo kiểu “cha truyền con nối”, hiếm người được đào tạo căn bản hiểu biết nhất định về hóa chất nên chính người bán những mặt hàng “nhạy cảm” này cũng không có kiến thức tối thiểu về tính chất, chuẩn dùng những mặt hàng mình kinh doanh thế nào là an toàn hay nguy hại… nói chi đến việc hướng dẫn cho người mua, người tiêu dùng  cách sử dụng.

Ở một góc độ khác của thực tế này, chị Thảo cho biết: Qua kiểm tra của ban liên ngành quận 5, phối hợp với Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Sở Y tế) và Sở Công thương, gần như 100% quầy kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh hoặc hóa chất công nghiệp hoặc hóa chất phụ gia thực phẩm. Một số giấy chứng nhận do Chi cục cấp, một số khác – đặc biệt là công ty - do Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cấp, một số do Công thương. Bản thân quận/huyện không nắm được, chỉ biết vậy thôi.

Trên thực tế thì Quận 5 có chương trình vận động các hộ kinh doanh hóa chất di dời vào trung tâm thương mại Đông Phương – chuyên kinh doanh hóa chất, nhưng không được sự đồng thuận (!?).

Theo đó, nhiều lý do “khước từ” từ phía các hộ kinh doanh được đưa ra, như: tiền thuê mặt bằng cao gấp nhiều lần với tiền thuê sạp hiện nay; vị trí kinh doanh hiện nay của các tiểu thương ở chợ Kim Biên ngay mặt đường Vạn Tượng, nên rất thuận lợi người buôn kẻ bán, còn một khi đã vào trung tâm, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều tiểu thương còn hoài nghi, khi vào trung tâm thương mại, kinh doanh có tốt hơn không?

Trong một “bối cảnh” khác có liên quan đến vấn đề này, sáng 20/11, Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP.HCM) đã có buổi làm việc về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Sở Y tế TP.HCM. Một trong những vấn đề “nóng” của mảng “đề tài” này vẫn là việc quản lý việc kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên. Theo ông Huỳnh Công Hùng  - Trưởng ban, hóa chất công nghiệp cần phải được kinh doanh tách rời khỏi khu dân cư, vì đây là những loại hóa chất có màu, có mùi, có khả năng gây cháy nổ.

An Quý