1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá tải… “đẻ” ra phong bì

GS Phạm Song, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, gốc rễ của phong bì chính là sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Muốn giải quyết tình trạng này thì phải xử lý từ gốc.

Nếu như nhận định này là đúng thì câu chuyện phong bì sẽ khó mà xóa bỏ vì quá tải đang trở thành căn bệnh vô phương cứu chữa của ngành y.

 

Bác sĩ tăng thu nhập nhờ… quá tải?

 

Tại hội nghị triển khai công tác y tế mới đây do Bộ Y tế tổ chức, một vị giám đốc Sở Y tế đã thẳng thắn nói rằng: Cần xem xét lại vấn đề tế nhị phía sau tình trạng quá tải BV. Phải chăng các BV tuyến trên cũng thích quá tải, vì có những trường hợp chỉ là xét nghiệm, uống  thuốc nhưng tại sao lại không chuyển về tuyến dưới mà cứ để nằm ghép? Phía sau đó phải chăng là tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế?”. Vị giám đốc sở này còn yêu cầu Bộ Y tế cần lãm rõ, trong số quá tải đó có bao nhiêu bệnh nhân điều trị vì lý do… thương mại.

 

 

Quá tải… “đẻ” ra phong bì  - 1

Bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân và thân nhân phải ăn ngủ ngay tại sân hoặc hành lang bệnh viện

 

Đây là lần đầu tiên có một y ‎kiến thẳng thắn như vậy về vấn đề quá tải BV. Bấy lâu nay, nói đến quá tải người ta luôn hình dung các thầy thuốc phải làm việc vất vả quay cuồng bên bệnh nhân trong khi đồng lương bèo bọt. Qúa tải đã trở thành câu nói cửa miệng của rất nhiều vị giám đốc BV tuyến TƯ mỗi khi nói đến khó khăn của BV. Và đôi lúc trở thành “vũ khí” che đậy cho những sai sót về chuyên môn. Thế nhưng, tuyệt nhiên, không có ông giám đốc BV nào công khai việc thu bội tiền từ việc quá tải.

 

Chỉ lấy ví dụ, một bệnh nhân vào điều trị tại BV TƯ phải nằm ghép 3-4 thậm chí 8 người/giường bệnh. Thế nhưng khi thanh toán ra viện mỗi người bệnh vẫn phải nộp đủ tiền giường bệnh. Vậy có nghĩa là giá 1 giường bệnh BV đã thu gấp 8 lần. Bệnh nhân nộp tiền để được vào viện nhưng chưa phải đã yên tâm. Sinh mạng đang nằm trong tay BS nên vào viện là phải nhanh chóng đi tìm BS để nhờ vả và không quên gửi BS chiếc phong bì. Y tá, điều dưỡng đến tiêm, thay băng phải dúi vài chục nghìn…Và khi BV quá tải đến 200%, 250% thì rõ ràng số bệnh nhân phải đến nhờ cậy BS là vô kể.

 

Thực tế hiện nay, nhờ quá tải, các BV cũng như các BS, y tá mới có cơ hội để “làm tiền” cả bằng cách chính thức cũng như không chính thức. Kêu thì vẫn kêu, song các BV tuyến trên vẫn thích quá tải?! Và còn quá tải thì làm sao xóa được tệ nạn phong bì?

 

Cấm kiểu nửa vời!

 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc BV Việt Đức phong bì cũng có nhiều loại. Phong bì bệnh nhân lót tay khi mới nhập viện nhất định không được nhận. Còn phong bì cám ơn khi bệnh nhân đã khỏi bệnh về nhà thì không có gì đáng phê phán. Như thế, có nghĩa là thầy thuốc vẫn được nhận phong bì của bệnh nhân!?.

 

Tại sao, ngành y tế lại không đưa ra quy định quyết liệt hơn là thầy thuốc không được phép nhận phong bì của bệnh nhân trong mọi tình huống? Vì ranh giới mập mờ giữa việc đưa phong bì lót tay thầy thuốc trước hay sau khi chữa bệnh thật khó mà rạch ròi. Ông giám đốc BV dù có tài giỏi đến mấy cũng khó mà kiểm soát được việc đưa - nhận phong bì diễn ra hàng ngày trong BV là phong bì cám ơn hay hối lộ. Ngay cả việc phong bì được đưa để cám ơn BS cũng luôn ẩn ý: Lần sau đến khám lại, BS phải nhớ mặt tôi mà đối xử cho cẩn thận!

 
Quá tải… “đẻ” ra phong bì  - 2
Quá tải tại hầu hết các BV T.Ư. Ảnh: D.Hải

 

Rất nhiều ‎người dân không đồng tình với cách từ chối phong bì nửa vời như vậy của các BV. “Nếu các y, BS không nhận phong bì là điều đáng mừng, nhưng để thực hiện được điều đó thì rất khó với con người VN. Tôi từng sống ở Hàn Quốc,  mỗi khi cần đến BV thì BV lo từ A đến Z  và người nhà chỉ lo tiền trả thuốc thang và viện phí. Trong thời gian nằm viện nếu cảm thấy không thoải mái thì bệnh nhân có quyền khiếu nại hoặc tố cáo trước pháp luật. Khi xuất viện có quyền nêu ý kiến (khen, chê) đóng góp mà không hề phải mang phong bì đến cám ơn bác sĩ như ở VN. Các BV của VN nên làm như thế…” - một người dân nêu ‎ý kiến.

 

“Việc đưa phong bì là rất xấu, phải đưa phong bì bao nhiêu tiền để được BS  quan tâm? Tôi nghĩ, trong bảng menu giá viện phí, cần có thêm mục quy định bao nhiêu tiền là tiền bồi dưỡng cho BS công khai rõ ràng để người bệnh không phải lo lắng đi đút lót cho BS mỗi khi vào viện…”, một ‎ý kiến khác.

 

Một BS đang làm việc tại tuyến huyện cho rằng: “Một BS được học hành, đào tạo bài bản để mang kiến thức đã học ra chữa bệnh cứu người. Được xã hội trọng vọng, được người bệnh kính nể…vậy mà BS lại ngửa tay nhận chiếc phong bì nhàu nát của một người nông dân nghèo khổ thì y đức xuống cấp trầm trọng quá. BS đã tự hạ thấp nhân cách, giá trị của mình chỉ vì tiền…”.

 

Luôn có 1001 lí do để “văn hóa” phong bì tồn tại từ nhiều năm nay. Giải pháp nào để giải quyết tận gốc vấn nạn này thì cho đến lúc này ngành y tế vẫn chỉ dừng lại ở việc hô hào, phát động phong trào, kí cam kết… GS Phạm Song, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Việc phát động phong trào BV nói không với phong bì là không thiết thực, phát động không thể giải quyết triệt để vấn đề”.

 

Có lẽ câu chuyện về “văn hóa” phong bì trong BV sẽ tiếp tục là câu chuyện dài và người bệnh vào viện vẫn phải chuẩn bị sẵn phong bì để “cám ơn” thầy thuốc!?

 

Theo Đức Anh

Lao động