74% bệnh nhận thừa nhận đưa phong bì bác sĩ là do tâm lý

(Dân trí) - Một khảo sát được thực hiện trên gần 6.000 độc giả báo Dân trí về vấn nạn phong bì trong bệnh viện cho thấy, chỉ 7% người đưa phong bì là để cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa trong khi có tới 74% đưa phong bì vì sợ không được chăm sóc tốt.

Sợ không được chăm sóc chu đáo!
 
Câu chuyện phát động thực hiện “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức” trong ngành y tế và chọn 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội gồm bệnh viện K, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E, bệnh viện Phụ sản TƯ làm điểm đã trở nên rình rang khi các bệnh viện này liên tục triển khai hội nghị tuyên truyền và đại diện các phòng ban của từng bệnh viện cùng kí cam kết “Nói không với phong bì”.

Chia sẻ về phong trào này, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức cho rằng: “Với tôi, phong bì chẳng là cái gì cả nhưng tôi cho rằng phong bì cũng tùy loại. Tôi đã nói với từng học trò của tôi, làm thế nào khi bệnh nhân được chữa lành, họ có mang quà tới biếu thì phải khóc chảy nước mắt rưng rưng. Còn nếu người ta khi bắt đầu vào bệnh viện phải có phong bì đưa cho bác sĩ thì đó là những phong bì mua chuộc và tôi cho rằng nên gọi những bác sĩ nhận phong bì đó là “kẻ” chứ không phải là con người… Đã nói đến phong bì là rất xấu. Còn với tôi, tôi luôn luôn nói không nên nhận”.

Vậy phong bì người bệnh đưa cho nhân viên y tế là cảm ơn hay lo sợ? Trong vòng 1 tuần, gần 6.000 độc giả báo Dân trí đã tham gia khảo sát về vấn nạn phong bì trong bệnh viện. Kết quả là chỉ 7% bày tỏ đưa phong bì để cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa còn tới 73% đưa phong bì vì sợ không được chăm sóc tốt. Đặc biệt có 15% đưa phong bì là do nhân viên y tế gợi ý.
 
Khảo sát là vậy nhưng trên thực tế, không dễ để phân định đâu là cảm ơn, đâu là lo lắng. Ví như trường hợp của bệnh nhân N.T.L (55 tuổi, Nghệ An) vừa điều trị u não tại khoa Thần Kinh, bệnh viện Bạch Mai. Trước khi can thiệp, gia đình đưa phong bì thì các nhân viên y tế kiên quyết từ chối. Nhưng sau khi thành công, gia đình đưa thì ê-kíp không từ chối. “Nếu không phải đưa phong bì sẽ tốt hơn (bởi trừ hơn 30 triệu BHYT thanh toán, gia đình bà L. vẫn phải bỏ ra gần 20 triệu nữa) nhưng không cảm ơn bác sĩ, tôi lại băn khoăn, áy náy”, bà L. bày tỏ.  
 
74% bệnh nhận thừa nhận đưa phong bì bác sĩ là do tâm lý  - 1


 
Khắc phục không dễ?

Tại hội thảo triển khai “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức” tại bệnh viện Việt Đức ngày 13/10 vừa qua, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, mặc dù không phải bác sĩ nào cũng nhận phong bì nhưng việc “Nói không với phong bì” là cần thiết. Tuy nhiên, nạn phong bì mới chỉ là một khía cạnh trong y đức, thực tế còn nhiều việc khác liên quan đến y đức như thái độ, tình cảm, sự quan tâm, ân cần của nhân viên y tế đối với bệnh nhân, người nhà của họ.... Ngoài ra, khi nói đến vấn đề phong bì trong ngành y cần nhìn cả 2 mặt, chứ không chỉ có lỗi của người thầy thuốc.

Theo GS Hùng, để khắc phục vấn nạn này trong bệnh viện không dễ nhưng nếu có một chiến lược phát triển tổng thể (giáo dục, đào tạo, đời sống cho người thầy thuốc, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính... ) và toàn xã hội quan tâm (trong đó có cả người nhà bệnh nhân) thì hoàn toàn có thể giải quyết được.   

74% bệnh nhận thừa nhận đưa phong bì bác sĩ là do tâm lý  - 2
Gần 50% người bệnh không hài lòng với thái độ, ứng xử của nhân viên y tế. Ảnh: H.Hải

Còn đối với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, mặc dù tỏ rõ thái độ kiên quyết, không khoan nhượng: “Nếu phát hiện ai vòi tiền bệnh nhân, tôi sẽ xử lý ngay, thậm chí đuổi việc. Kỷ luật đặt ra là kỷ luật thép chứ không phải nói chơi!” nhưng PGS cũng cho rằng, phong trào khó thực hiện được nếu không đổi mới cơ chế. “Con người không phải cái máy, nếu điều dưỡng được trả lương 6-8 triệu đồng/tháng, họ sẽ yên tâm làm việc nhưng nếu chỉ 1,7-1,8 triệu đồng/tháng, tôi bảo đảm có 10 hay 20 ông giám đốc thì người ta cũng chỉ sợ trước mặt, còn sau lưng thế nào cũng nhận tiền của bệnh nhân”, ông Quyết lo ngại.

Cùng quan điểm, GS Hùng cho rằng, nếu cứ động viên suông thì liệu có chấm dứt được bệnh phong bì không? Rõ ràng là rất khó, cần phải chăm lo đến thu nhập của người thầy thuốc sao cho họ đủ sống và đủ nuôi con cái họ. “Hơn nữa, một ngày bác sĩ khám khoảng 50-80 bệnh nhân thì làm sao người ta có thời gian đặt được ống nghe tim phổi, làm sao có thời gian bắt mạch cho bệnh nhân”, GS Hùng nói.

Cuối cùng, “Nói không với phong bì” mới chỉ dừng ở sự tự giác, tự nguyện, kêu gọi lương tâm, trách nhiệm, vượt lên chính mình của cán bộ nhân viên y tế chứ hoàn toàn không phải là quy chế, quy định với những chế tài xử phạt nghiêm minh. Và vì vậy, bà Trần Thị Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành y tế, cho rằng: “Nói không với phong bì” thực sự là bài toán khó, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
 

50% người bệnh không hài lòng với nhân viên y tế

 

Một khảo sát khác do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thực hiện vào tháng 7/2011 tại e bệnh viện gồm bệnh viện Việt Đức, Phụ sản Trung ương, K, Bạch Mai và Bệnh viện E. cho thấy khoảng 45% bệnh nhân, người nhà không hài lòng với nhân viên y tế, thủ tục hành chính. Trong đó, bị phê nhiều nhất là Bệnh viện K với hơn 63% ý kiến, ít nhất là Bệnh viện Phụ sản Trung ương 7,3%. Đặc biệt khoảng 10% nhân viên y tế tỏ thái độ hách dịch, quát tháo, vô cảm. Và chính những thái độ của nhân viên y tế tác động trực tiếp tới tâm lý của người bệnh, rằng họ nên đưa phong bì để được chăm sóc tốt hơn. Con số thực sự bày tỏ sự cảm ơn chỉ khiêm tốn 7% so với 73% người tâm lý đưa phong bì để chăm sóc tốt (theo khảo sát của Dân trí).

 
Hồng Hải