Quá tải bệnh nhân ung thư tại TPHCM: Bệnh viện tuyến trên gánh "còng lưng"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, năng lực điều trị không đồng đều dẫn đến bệnh nhân ung thư tập trung về tuyến cuối, gây quá tải. Hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cũng chỉ chủ yếu thực hiện tại các tuyến trên.

Ngày 13/4, Sở Y tế TPHCM cho biết, địa phương đang triển khai chiến lược phòng chống ung thư, trước tình hình số ca mắc và tử vong có khuynh hướng tăng.

Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới có xu hướng tăng, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ mắc cao (97,3-111,9/100.000 dân).

Năm 2020, tại Việt Nam ước tính có hơn 182.500 ca mắc mới và gần 122.700 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư, khiến tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia). Trong đó, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018.

Còn tại TPHCM, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể do Bệnh viện Ung bướu TPHCM làm đầu mối, số bệnh nhân ung thư năm 2017 là hơn 11.200 người (trong đó nam giới là hơn 5.000 người, nữ giới hơn 6.200 người).

Quá tải bệnh nhân ung thư tại TPHCM: Bệnh viện tuyến trên gánh còng lưng - 1

Bệnh nhân ung thư chờ điều trị tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM nhận định, bên cạnh tình trạng quá tải người bệnh ngày càng tăng tại Bệnh viện Ung bướu do hạ tầng cơ sở 1 xuống cấp, công tác phòng chống ung thư trên địa bàn thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả vì còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn phổ biến, có thể do các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực đầu tư. Kế đến, chương trình tầm soát phát hiện sớm (nếu có) chủ yếu được thực hiện cho người dân có nhu cầu, rất ít chương trình thực hiện trong cộng đồng.

Đáng chú ý, ung thư là bệnh lý phức tạp, nhưng năng lực chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện lại không đồng đều. Điều này dẫn đến bệnh nhân có xu hướng tập trung về các bệnh viện tuyến cuối, gây quá tải bệnh viện và kéo dài thời gian chờ điều trị.

Quá tải bệnh nhân ung thư tại TPHCM: Bệnh viện tuyến trên gánh còng lưng - 2

Máy xạ trị hiện đại tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối ở TPHCM dù được đẩy mạnh nhưng chủ yếu thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến trên. Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế cho chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến y tế cơ sở (nhất là thuốc giảm đau morphin) còn gặp nhiều khó khăn.

Sở Y tế TPHCM xác định, việc xây dựng chiến lược phòng chống ung thư theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành, trong đó không chỉ quan tâm đầu tư cho hoạt động chẩn đoán và điều trị.

Do đó, Sở Y tế TPHCM đề ra 6 giải pháp cho chiến lược phòng chống ung thư.

Thứ nhất, triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vaccine... phòng ngừa ung thư.

Thứ hai, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng tỷ lệ tầm soát phát hiện sớm bệnh lý ung thư tại cộng đồng (như chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm của WHO tại tuyến y tế cơ sở, tầm soát và phát hiện sớm ung thư bằng công nghệ cao).

Quá tải bệnh nhân ung thư tại TPHCM: Bệnh viện tuyến trên gánh còng lưng - 3

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 đi vào hoạt động mang ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai chiến lược phòng chống ung thư (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ ba, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp ở mọi tuyến; Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển kỹ thuật chuyên sâu điều trị ung thư.

Thứ tư, xây dựng, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư trong cộng đồng.

Thứ năm, chuyển đổi số công tác báo cáo, giám sát các trường hợp bệnh, từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại. Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống ung thư.

Cũng theo Sở Y tế TPHCM, dự thảo chiến lược phòng chống ung thư đã được các chuyên gia biên soạn, lấy ý kiến của các Sở, ban ngành trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt.