TPHCM: Lõm mũi, biến dạng mặt vì căn bệnh "hiểm" liên quan đến nắng nóng
(Dân trí) - Bác sĩ cho biết, yếu tố nguy cơ nổi trội gây ra căn bệnh "hiểm" này là tia UVB, có cường độ mạnh nhất trong ánh nắng mặt trời từ 10h sáng đến 16h chiều.
Biến dạng mặt vì ung thư da
Ông L.K.T. (62 tuổi), đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM khám những ngày đầu tháng 4, khi khuôn mặt đã bị biến dạng.
Kể với phóng viên Dân trí, người đàn ông cho biết mình sinh sống bằng nghề làm vườn ở quê. Hơn 10 năm trước, ông thấy mặt mình nổi một mụn nhỏ màu đen. Vì không thấy đau đớn gì, ông tưởng là nốt ruồi nên cũng không đi kiểm tra. Theo thời gian, nốt ruồi từ chỗ chỉ là chấm nhỏ lớn dần lên thành đầu đũa. Cách đây khoảng 1 năm, nốt ruồi bắt đầu có dấu hiệu bong da.
Lúc này, ông T. mới ra tiệm mua các loại thuốc về thoa lên mặt. Tuy nhiên sau khi sau đó, vùng mũi của người đàn ông bị tróc da và lõm sâu xuống. Tại Bệnh viện địa phương, người đàn ông được chẩn đoán nghi ngờ có bệnh nặng ở vùng mặt và được khuyên nên lên tuyến trên để điều trị. Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, sau khi làm các kiểm tra cần thiết, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ung thư da.
Nhận kết quả này, người đàn ông rất lo lắng và vẫn chưa tin mình bị ung thư, với lý do vết thương không gây đau đớn gì, và gia đình không ai mắc bệnh này cả. Kết quả sinh thiết khẳng định bệnh ung thư da, các bác sĩ trấn an tinh thần để bệnh nhân chấp thuận việc phẫu thuật điều trị sớm.
TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại 6, Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ, mỗi tuần nơi đây có 2-3 ca bệnh nhân phẫu thuật ung thư da. Còn theo số liệu thống kê từ bác sĩ trực phòng khám, mỗi ngày có khoảng 3-4 ca bệnh nhân ung thư da mới đến khám.
Khuyến cáo khi ra đường giữa trời nắng gắt
Theo bác sĩ Khôi, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư da, trong đó nguy cơ nổi trội nhất là tia cực tím bước sóng B (UVB), có cường độ mạnh nhất trong ánh nắng mặt trời từ 10h sáng đến 16h chiều.
Thông thường, bệnh nhân sẽ bị ung thư da khi tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian kéo dài, như những người nông dân làm việc ngoài đồng. Bệnh cũng đang dần có sự trẻ hóa. Cụ thể qua sự theo dõi của bác sĩ Khôi, trong 10 năm gần đây, ông phải tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân mới 30-40 tuổi đã bị ung thư da, thay vì là các trường hợp 70-80 tuổi như trước đây.
Có nhiều giả thuyết để lý giải tình trạng trên và vẫn đang được nghiên cứu, như việc thủng tầng ozon gây hiệu ứng nhà kính, khiến tia UV B ngày càng nhiều hơn, do hóa chất độc hại...
Những người có phản ứng sạm da kém sẽ dễ ung thư da hơn những trường hợp dễ bị đen da khi tiếp xúc ánh nắng. Ngoài ra, người đã từng bỏng nặng, bỏng hóa chất, xăng dầu cũng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn người bình thường.
Để điều trị ung thư da, phẫu thuật là phương pháp chính. Trong những trường hợp bướu lớn, bướu lan rộng đến xương hàm, hốc mắt, khoang miệng... hóa xạ trị có thể được tính đến. Ngoài ra, với bệnh nhân có những tổn thương da còn nông, nhỏ, hiện nay đã có một số loại thuốc bôi hỗ trợ điều trị.
Bác sĩ cảnh báo, ung thư da nếu không điều trị sớm sẽ lan rộng đến nhiều cấu trúc, gây nhiễm trùng, chảy máu và nặng nhất là tử vong. Nếu ung thư da xảy ra vùng môi, có thể gây loét trên môi và ăn dần ra xung quanh miệng. Ung thư nằm ở vị trí gần mắt đã ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể phải nạo bỏ nhãn cầu.
Ung thư da hắc tố (Melanoma) sẽ có diễn tiến rất xấu hơn, dù hiếm gặp. Ngoài ra khi mổ, vùng da của bệnh nhân sẽ bị cắt sâu, gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân khi thấy các lở loét, tổn thương da trên 4 tuần mà không lành, hay da bất ngờ nổi cục kèm vết lạ, ngứa nhiều cũng nên đi khám sớm. Khi ra đường trong khoảng thời gian từ 10-16h nên che chắn kỹ để tránh tiếp xúc với ánh sáng gây hại, đặc biệt là các vùng dễ lộ ra như cổ tay, cổ chân...