Polyp đại tràng có đáng ngại?

Tú Anh

(Dân trí) - Polyp là một trong các tổn thương hay gặp ở các bệnh nhân được nội soi đại trực tràng.

Polyp đại tràng khi nào là ác tính?

Có một số đặc điểm hình ảnh trên nội soi có thể gợi ý phần nào polyp đại trực tràng lành tính hay ác tính nhưng câu trả lời mang tính chất quyết định vẫn là kết quả giải phẫu bệnh khi sinh thiết các polyp đó.

Theo hướng dẫn của nhiều hiệp hội chuyên khoa, polyp đại trực tràng được định nghĩa là ác tính khi tổn thương đã xâm lấn ít nhất tới lớp dưới niêm mạc (được ký hiệu là pT1 trên kết quả mô bệnh học).

Về nguyên tắc, khi kết quả trả lời là ác tính, bệnh nhân phải được đánh giá toàn thân để đánh giá chính xác giai đoạn bệnh. Theo đó, người bệnh cần chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, ổ bụng, tiểu khung và có thể cả MRI vùng chậu, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, các chất chỉ điểm ung thư (như CEA),… để đánh giá tốt hơn mức độ xâm lấn và lan tràn của polyp tại chỗ, tại vùng cũng như phát hiện các tổn thương di căn xa nếu có.

Khi chưa có di căn hạch và di căn xa, khi nào nên phẫu thuật dù polyp đã được cắt qua nội soi?

Trong bối cảnh này, việc có phải phẫu thuật hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ xâm lấn của ung thư, độ mô học và tình trạng diện cắt.

Một điểm đáng lưu ý là cho tới nay trên thế giới chưa có một đồng thuận về diện cắt dương tính trong bối cảnh này. Nhiều tác giả định nghĩa diện cắt dương tính là khi có sự hiện diện của khối u trong vòng 1 đến 2 mm tính từ diện cắt hoặc có tế bào ung thư ở trong lớp đệm ở diện cắt.

Người ta chia ra kết quả mô bệnh học thành hai nhóm thuận lợi và không thuận lợi. Kết quả mô học thuận lợi là khi độ mô học của u chỉ ở độ 1 và độ 2, chưa có xâm nhập mạch máu, thần kinh và diện cắt không có tế bào ung thư. Với các trường hợp này, có thể chỉ cần theo dõi mà không phải mổ lại.

Đặc điểm kết quả mô bệnh học không thuận lợi với polyp đại trực tràng ác tính bao gồm độ mô học 3 hoặc 4, ung thư đã xâm lấn mạch hoặc diện cắt còn tế bào ung thư.

Với nhóm này nhiều tác giả đưa ra lựa chọn phẫu thuật dù polyp đại trực tràng đã được cắt bỏ hoàn toàn qua nội soi trước đó, đặc biệt với các polyp phẳng (polyp không có cuống). Nguyên nhân có lựa chọn này là do nhiều báo cáo đã cho thấy polyp phẳng có tiên lượng xấu hơn đáng kể so với polyp có cuống cả về tỷ lệ tái phát bệnh, tỷ lệ di căn và tỷ lệ tử vong.

Khi đó nếu tình trạng bệnh nhân cho phép, việc phẫu thuật điều trị ung thư theo nguyên tắc bao gồm cả nạo vét hạch bạch huyết nên được thực hiện.

Để đảm bảo phẫu thuật viên có thể tìm thấy chính xác vị trí polyp đã cắt, các hiệp hội chuyên khoa khuyến cáo nên đánh dấu vị trí tổn thương giúp phẫu thuật viên có thể xác định vị trí khối u khi cắt polyp. Việc hội chẩn hội đồng đa chuyên khoa là cần thiết để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với từng bệnh nhân cụ thể. 

Tất cả những bệnh nhân polyp đại trực tràng ác tính đã được phẫu thuật cũng cần được khám, theo dõi định kỳ đặc biệt là nội soi đại trực tràng toàn bộ nhằm phát hiện các polyp ở các vị trí khác cũng như phát hiện ung thư tái phát.

Ngoài giải phẫu bệnh, xét nghiệm gen sửa chữa ghép cặp nên được thực hiện để chẩn đoán một số hội chứng di truyền có thể gây ra ung thư đại trực tràng, nhằm  đưa ra quyết định về việc điều trị hóa trị sau đó cũng như tư vấn di truyền cho người thân của bệnh nhân. Hóa trị bổ trợ không được khuyến cáo cho các bệnh nhân polyp đại trực tràng ác tính mà ung thư mới ở giai đoạn I.

BSCKI Trần Thu Hạnh

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai