Phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư vòm họng
(Dân trí) - Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị chính với ung thư vòm họng do vòm họng là vùng khó tiếp cận bằng phẫu thuật. Xạ trị đóng một vai trò quan trọng.
Ung thư vòm họng là một loại ung thư vùng đầu cổ xuất phát từ vòm họng (còn gọi là họng mũi hay tỵ hầu), nằm phía trên cùng của họng, phía sau mũi và gần nền sọ.
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Việc lựa chọn phương pháp tối ưu nhất đối với người bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí của khối u (ung thư), giai đoạn ung thư, bệnh có khả năng chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị hiện tại hay giúp kéo dài cuộc sống, giảm nhẹ triệu chứng, tuổi…
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, phẫu thuật thường không phải là phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng bởi vòm họng là một vùng khó để tiếp cận bằng phẫu thuật. Đôi khi một vài kỹ thuật mổ đặc biệt được sử dụng để tiếp cận khối ung thư, tuy nhiên, trong đa số trường hợp, các phương pháp điều trị khác thường hiệu quả hơn. Phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hạch cổ có thể có tế bào ung thư di căn.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao (như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là một phần quan trọng trong phương pháp điều trị chính của ung thư vòm họng.
Có 2 phương pháp xạ trị chính được áp dụng. Trong đó phương pháp thông dụng nhất là nhắm vào tế bào ung thư từ một máy phát xạ bên ngoài cơ thể. Đây gọi là xạ trị ngoài. Điều trị xạ trị ngoài cũng khá giống với chụp X-quang nhưng cường độ bức xạ mạnh hơn.
Một phương pháp xạ trị khác là xạ trị áp sát hay xạ trị trong. Với phương pháp xạ trị này, nguồn xạ giống như những "hạt giống" được cấy trực tiếp vào khu vực khối u. Những "hạt" này sẽ ở lại vị trí được cấy vào trong vài ngày trong khi bạn ở lại phòng điều trị tại bệnh viện, và sau đó sẽ được lấy ra trước khi bạn về nhà.
Nếu bác sĩ đề nghị bạn điều trị bằng xạ trị, hãy trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào phương pháp xạ trị được sử dụng và bộ phận cơ thể được xạ trị. Các tác dụng phụ phổ biến nhất của xạ trị là:
- Thay đổi da vùng chiếu xạ.
- Mệt mỏi.
- Khàn tiếng.
- Thay đổi vị giác.
- Loét miệng và họng.
- Khô miệng
- Khó nuốt hoặc ăn.
Hầu hết những tác dụng không mong muốn này thường cải thiện dần sau khi kết thúc điều trị, tuy nhiên một số có thể kéo dài hơn.