Phương pháp tấn công thẳng tế bào ung thư phổi giúp tăng hiệu quả điều trị
(Dân trí) - Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi, khoảng 85-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá thụ động hay chủ động.
Phương pháp tiên tiến hàng đầu điều trị ung thư phổi
Theo thống kê mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu người mắc mới và hơn 1,7 triệu người tử vong do ung thư phổi.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm hơn 80% các trường hợp bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy,…
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của sinh học phân tử, ngày càng có nhiều loại đột biến gen mới phát hiện trong bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, mở ra hy vọng mới trong điều trị nhắm trúng đích. Trong số các đột biến này, EGFR là dạng đột biến phổ biến nhất xảy ra trên khoảng 40% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á.
Theo BSCKII Đặng Văn Khiêm, Trưởng Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương, điều trị trúng đích tức là liệu pháp điều trị này sẽ tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư. Điều trị nhắm trúng đích cùng với liệu pháp miễn dịch là những phương pháp điều trị ung thư tiên tiến hàng đầu hiện này.
"Điều trị trúng đích là phương pháp điều trị tiên tiến mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Thời gian sống thêm không có bệnh tiến triển đến thời gian sống thêm toàn bộ đều cải thiện rất nhiều so với điều trị truyền thống là sử dụng hóa chất. Hiện nay chúng ta thấy rằng bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR dương tính rất phù hợp cho phương pháp điều trị nhắm trúng đích", BS Khiêm cho hay.
Theo BS Khiêm, bất cứ một phương án điều trị nào, bệnh nhân cũng phải đối mặt với tác dụng phụ hay còn gọi là tác dụng không mong muốn. Với điều trị thuốc nhắm trúng đích, dù hạn chế nhưng vẫn có thể xuất hiện các tác dụng phụ như: khô da, nổi mẩn, viêm da, viêm quanh móng tay, rối loạn tiêu hóa hoặc tăng men gan. Tuy nhiên hầu hết tác dụng phụ đều ở mức độ một và 2, ít tác dụng phụ ở mức 3, 4 (tác dụng phụ khá nghiêm trọng thông thường phải tạm dừng điều trị để xem xét).
BS Khiêm phân tích: "Khi bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ thì cần liên hệ với bác sĩ đang điều trị để được tư vấn về cách cải thiện tác dụng phụ. Tác dụng phụ thông thường xuất hiện ở 1-2 tháng đầu tiên về sau sẽ giảm bớt".
Các phương pháp điều trị ung thư phổi khác
Bên cạnh phương pháp điều trị trúng đích, hiện cũng có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi khác, có thể kể đến như:
Phẫu thuật loại bỏ khối u
Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật, có khoảng 25-30% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.
Điều trị tia xạ
Phương pháp này được áp dụng cho khoảng 35% bệnh nhân. Mục đích là tiêu diệt và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư khi còn khu trú tại vùng và chưa di căn xa. Đối với những khối u lớn thì xạ trị làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này có thể kéo dài đời sống của bệnh nhân và giữ vai trò bổ trợ.
Điều trị hóa chất
Đối với ung thư phổi, tỉ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hóa chất lên tới 80-90%. Hóa chất thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hóa chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.
Ngoài ra, ngay khi có bất cứ triệu chứng gì, ví dụ khó thở do tích tụ dịch trong khoang màng phổi, bác sĩ sẽ tư vấn và hỗ trợ người bệnh như dẫn lưu dịch ra bên ngoài.
Các chuyên gia cho biết, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống của bệnh ung thư phổi trên 5 năm gần 45%.
Vì thế, quan trọng nhất là chúng ta cần ý thức được việc khám tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư phổi. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng.