Phương pháp mới, chỉ mất 10 phút xạ trị sẽ tan khối u
(Dân trí) - Với bệnh nhân ung thư phải xạ trị, thay vì mất 4 – 5 tuần xạ trị liên tiếp với nhiều tác dụng phụ, nay một phương pháp mới, bệnh nhân chỉ xạ trị một lần, trong khoảng 10 phút. Đặc biệt, đây là phương pháp duy nhất được khuyến nghị chỉ định với ung thư trẻ em bởi tác dụng phụ hầu như không có.
Chỉ mất 10 phút cho một lần xạ trị
Thông tin trên được PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết tại Hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/12.
PGS Thuấn cho biết, trong điều trị ung thư có nhiều phương pháp như phẫu thuật, nội khoa (hóa chất, nội tiết, sinh học) và xạ trị. Trong xạ trị có nhiều biện pháp, trong đó dùng phương pháp dùng hạt proton và hạt nặng đã được chứng minh hiệu quả tại một số nước ứng dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Đây là một phương pháp hiệu quả trong điều trị ung thư, cho phép điều trị cả những khối u kháng với xạ trị thông thường. Ưu điểm thứ hai phải kể đến đó là ảnh hưởng phụ hầu như không có. Ưu điểm thứ ba là xạ trị trong thời gian nhanh. Với các phương pháp xạ trị thông thường một bệnh nhân cần 4 – 5 tuần để xạ trị, còn với proton và hạt nặng bệnh nhân chỉ điều trị một lần duy nhất, trong vài phút sẽ tan khối u. Điều này giải quyết được nhiều vấn đề trong điều trị ung thư, đó là tăng tỉ lệ chữa khỏi, giảm tải được lượng bệnh nhân xạ trị đang quá tải trầm trọng hiện nay”, PGS Thuấn nói.
Phương pháp này được đánh giá hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa, ung thư gan, phổi mà rất ít tác dụng phụ. Theo các nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân điều trị bằng xạ trị proton có khích thước khối u giảm hoặc không tăng lên trong 3 năm rất khả quan, cụ thể là trên 90% với ung thư phổi tế bào nhỏ; 80 – 90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%.
“Khác với xạ trị thông thường, bên cạnh diệt tế bào ung thư cũng ảnh hưởng mô lành liên quan như máu, cơ quan kế cận, tủy xương… gây ảnh hưởng phụ trên lâm sàng, nhiều bệnh nhân không chịu được các tác dụng phụ này. Còn phương pháp này là duy nhất được ứng dụng trong ung thư trẻ em bởi những ảnh hưởng của nó lên cơ thể con người hầu như không có”, PGS Thuấn nhấn mạnh
Đây là một phương pháp mới, hiện nay trên thế giới mới một vài nước ứng dụng, trong đó ở Châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc.
TS.BS Jun – Etsu Mizoe, Giám đốc Trung tâm trị liệu hạt nặng, Osaka, Nhật Bản cho biết hiện tại Nhật có 20 cơ sở sử dụng phương pháp điều trị này với trên 1000 bệnh nhân được điều trị mỗi năm.
“Nó được lựa chọn bởi việc điều trị ít tác dụng phụ hơn, giảm ảnh hưởng tới các tổ chức lành. Phương pháp này cũng được áp dụng điều trị ung thư di căn và mang lại hiệu quả cao. Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt nhất trong việc thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng đặt tại BV K”, TS Jun cho biết.
Tuy nhiên trong điều trị ung thư, việc chỉ định áp dụng theo xạ trị truyền thống, hiện đại, áp dụng một hay nhiều phương pháp phụ thuộc vào từng loại bệnh giai đoạn bệnh”, PGS Thuấn nói.
Sẽ thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, trong bối cảnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc có thêm các phương pháp điều trị hiện đại mang lại nhiều cơ hội hơn cho người bệnh.
Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến, hiện đại và an toàn đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này. Phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối U kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt,xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa mà rất ít tác dụng phụ.
Thứ trưởng Cường cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất quan tâm đến phương pháp điều trị ung thư này. Buổi chiều muộn cùng ngày, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ các chuyên gia để nghe kết quả Hội thảo và cùng bàn về phương hướng sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại BV K.
PGS Thuấn hi vọng khi đưa vào ứng dụng sắp tới, sẽ giải quyết tình trạng quá tải trầm trọng hơn 300% các máy xạ trị tại BV K, bệnh nhân phải xạ trị xuyên đêm như hiện nay.
Hồng Hải