Phúc thẩm vụ VN Pharma: Phủ nhận việc chi hoa hồng 7,5 tỷ đồng cho bác sĩ
(Dân trí) - Dân trí Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho rằng, do mình bị bắt nên không biết chi 7,5 tỷ đồng cho những khoản nào. Tất cả những khoản chi của công ty chỉ phục vụ cho việc mua bán chăm sóc khách hàng, hoàn toàn không có việc công ty VN Pharma dùng tiền chi cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ thuốc...
11h43, Phiên tòa tạm nghỉ, chiều nay tiếp tục vào lúc 14h.
11h39, Đại diện Viện KSND hỏi đại diện hải quan về hồ sơ của VN Pharma.
Đại diện hải quan cho rằng, theo quy trình thì doanh nghiệp cần khai báo hồ sơ, sau đó hải quan sẽ xác minh hồ sơ có hợp lý hay không thì sẽ cho thông quan. Theo đại diện hải quan thì hồ sơ của công ty VN Pharma hoàn toàn hợp lệ. Trong quá trình làm hồ sơ thì doanh nghiệp đã cố ý làm trái bằng những thủ đoạn tinh vi nên hải quan không thể phát hiện.
11h30, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Phạm Quỳnh Trang cho rằng bản thân mình làm theo chỉ đạo của bị cáo Cường, nâng giá thuốc lên để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Con dấu của những đơn hàng cũng do bà Trang đóng và theo bà Trang, con dấu này do ông Raymundo giao cho bà nên bà chỉ biết đóng dấu.
Bị cáo Loan cho rằng mình là nhân viên công ty nên hoàn toàn tin tưởng vào Cục quản lý dược khi thuốc đã được Cục cấp phép thì bị cáo mới làm theo thủ tục. Bị cáo Loan cho rằng mình không làm sai quy trình của công ty.
Bị cáo Nhật cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Hùng. Lúc bị cáo ký hợp đồng đầu tiên thì đã được Cục quản lý dược cấp phép. Khi thuốc vào Việt Nam, để đúng theo giấy phép hoạt động, bị cáo Nhật phải lùi lại 10 ngày để thuốc này có thể vào Việt Nam.
Bị cáo Hùng cũng khẳng định lời khai của bị cáo Nhật là chính xác. Bị cáo Hùng chỉ đạo trực tiếp thay đổi thời gian nhập lô thuốc vào Việt Nam để khớp với việc cấp phép.
11h, Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM xét hỏi bị cáo Phạm Duy Thông.
Bị cáo Thông khai nhận mình làm việc tại công ty VN Pharma từ tháng 12/2013 tới tháng 2/2014. Bị cáo chỉ viết công thức thuốc theo những tài liệu đã có sẵn, sau khi viết sẵn thì bị cáo chuyển cho bị cáo Duy. Về tên thuốc H-Capita 500mg, về nguyên tắc dược và thương mại thì không thể thay đổi. Những mẩu thuốc tại công ty thì bị cáo không thể làm giả được mà mẫu mã này chỉ có thể mua bên ngoài công ty. Với thuốc nội và thuốc nhập ngoại thì tác dụng thuốc giống nhau, tuy nhiên khi bị cáo viết công thức thuốc có một số điểm khác nhau.
Khi bị cáo Hùng yêu cầu bị cáo viết công thức thuốc thì bị cáo dựa vào quy định của Bô Y tế. Bị cáo Thông khai nhận mình viết công thức thuốc cho VN Pharma rất nhiều, trong đó chia ra hai loại gồm thuốc nhập ngoại và thuốc sản xuất trong nước. Trước khi về làm việc tại VN Pharma thì bị cáo đã bắt đầu viết công thức thuốc cho công ty. Tất cả những công thức bị cáo Thông viết ra thì đều dựa trên yêu cầu của công ty VN Pharma.
Mọi việc làm theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Minh Hùng
10h45, Theo bị cáo Thiện, mình là người làm công ăn lương không có vụ lợi gì, chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Hùng. Bị cáo biết hành vi của mình là không đúng, tuy nhiên mức án 5 năm tù tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo là quá nặng.
Tương tự, bị cáo Ngô Anh Quốc cho rằng mình chỉ người làm công ăn lương, chỉ làm theo chỉ đạo nên không hưởng lợi nhuận. Trong quá trình làm việc hợp thức hóa hồ sơ thì bị cáo không biết bị làm giả vì có chữ ký đầy đủ của lãnh đạo công ty, cho đến khi bị cáo bị bắt thì mới biết những hồ sơ bị làm giả.
Bị cáo Quốc khai bị cáo Hùng có chủ trương chi tiền cho mua bán hàng. Liên quan tới số tiền 7,5 tỷ đồng thì do chính bị cáo chi sau khi bị cáo Hùng bị bắt, còn nhân viên chi cho những người nào, lô thuốc nào thì bị cáo không biết rõ.
Bị cáo Phương cũng cho rằng mình chỉ là kế toán không biết gì về dược nên không thể đồng phạm tội buôn lậu. Bị cáo không biết việc mở những tài khoản ở nước ngoài, tới khi bị cáo bị bắt thì bị cáo mới biết những tài khoản này dùng để nâng khống tiền thuốc.
Bị cáo Loan cho rằng mình chỉ làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo. Số thuốc thì bị cáo biết đã được Cục quản lý dược cấp phép nên bị cáo không biết. Bản thân bị cáo cũng không biết việc nâng khống thuốc.
Theo hồ sơ vụ án bà Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma) có hành vi thuê các dược sỹ chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác và là người đi thuê Phạm Văn Thông viết khống hồ sơ kỹ thuật thuốc.
Trả lời tại phiên tòa, bà Vy cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo chứ không biết hành vi gian dối gì hết. Bà Vy cho rằng mình không biết xuất xứ lô thuốc trên và đã thực hiện công đoạn làm giả thủ tục cho Hùng cấp phép nhập khẩu lô thuốc về Việt Nam. Mọi việc bà Vy cho rằng chỉ làm theo những gì bị cáo Hùng chỉ đạo.
Không chi hoa hồng cho bác sĩ?
10h25, theo bị cáo Hùng, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã ăn năn hối cải, nhưng mức án 12 năm tù là cao so với hành vi của mình gây ra, mong HĐXX xem xét. Khi lô thuốc nhập ngoại vào Việt Nam thì các công ty phải đấu giá nên bị cáo chỉ đạo bị cáo Loan làm giả một số giấy tờ. Trong quá trình mua bán thuốc thì bị cáo đã yêu cầu bị cáo Loan làm giả hợp đồng mua bán thuốc với công ty Austin Hồng Công để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K- Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin).
Bị cáo Hùng cho rằng, việc tự ý nâng khống giá thuốc nhằm hợp thức hoá khoản tiền phục vụ cho việc mua bán của công ty. Đối với hợp đồng mua bán thuốc với Austin Hồng Công, bị cáo Hùng cho rằng mình không làm giả vì đã được ủy quyền.
Chủ tọa đặt câu hỏi: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận đã chi số tiền 7,5 tỷ đồng (lớn hơn cả giá trị lô thuốc) là tiền chi hoa hồng cho các bác sỹ bệnh viện để tiêu thụ thuốc. Như vậy cần điều tra làm rõ số tiền này chi hoa hồng cho những lô thuốc nào vì nếu chi cho lô thuốc 9.300 hộp H- Capita 500 mg Caplet thì không phù hợp vì tiền mua thuốc thấp hơn tiền chi hoa hồng là mâu thuẫn. Bị cáo giải thích gì về vấn đề này?
Bị cáo Hùng cho rằng, do mình bị bắt nên không biết chi 7,5 tỷ đồng cho những khoản nào. Tất cả những khoản chi của công ty chỉ phục vụ cho việc mua bán chăm sóc khách hàng, hoàn toàn không có việc công ty VN Pharma dùng tiền chi cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ thuốc.
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Quang Huy được bị cáo Phan Cẩm Loan (Phó trưởng phòng nhập khẩu công ty VN Pharma) thuê làm thủ tục nhập khẩu. Huy đã cung cấp hồ sơ cho hải quan, bao gồm bản sao công chứng giấy phép hoạt động (đã hết hạn) của công ty Austin Hồng Kông. Huy nhận số tiền 10.000USD của bị cáo Hùng chuyển cho với lý do chi phí sử dụng pháp nhân công ty Austin Hồng Kông. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Hùng cho rằng mình không có quan hệ gì với Nguyễn Quang Huy, thông qua bị cáo Loan thì bị cáo mới biết Huy, sau đó nhờ Huy chuyển tiền cho đối tác ở Hồng Kông chứ không phải số tiền dùng cho việc làm thủ tục xuất nhập cảnh.
9h45, hầu hết các bị cáo giữ nguyên kháng cáo, chỉ có bị cáo Phương thay đổi từ xin giảm nhẹ hình phạt sang kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Cường kêu oan, khai nhận mình không biết rõ sự việc, bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào người tên Raymundo. Bị cáo Cường cho rằng người này đã sang Việt Nam và bị cáo cũng đã sang Canada để xem nhà máy nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng chứ không biết việc buôn lậu.
Sau đó, bị cáo Cường cung cấp cho HĐXX giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định cấp giấy phép cho doanh nghiệp Helix Pharmaceuticals Inc. Bị cáo Cường cho rằng mình chỉ là người môi giới khi VN Pharma cần mua thuốc từ ông Raymundo thì bị cáo mới làm việc với hai bên để đặt vấn đề mua thuốc. Bị cáo liên lạc với ông Raymundo qua Gmail, sau đó người này liên lạc làm việc với đại sứ quán Canada để nhập khẩu thuốc vào Việt Nam. Về nguồn gốc thuốc thì bị cáo chỉ biết từ Helix Canada.
Theo bị cáo Cường, trong quá trình mua bán thuốc, bị cáo không có hành vi gian dối cũng như không hưởng lợi. Ông Raymundo giao cho bị cáo con dấu của công ty Helix Canada nên bị cáo hoàn toàn không biết con dấu này là con dấu giả. "Bị cáo được ông Raymundo ủy quyền tại Việt Nam, bị cáo chỉ làm những công việc phục vụ khách hàng, làm theo đúng quy trình nên không có việc làm giả. Với vai trò người môi giới, bị cáo chỉ biết làm tròn vai trò của mình" - bị cáo Cường nói.
Kêu oan nhưng xin thi hành án sớm
9h25, Liên quan tới vụ án, bị cáo Phạm Văn Thông (sinh năm 1954, tại Hải Dương) đã dựa vào các tài liệu do công ty VN Pharma cung cấp để viết tài liệu thuốc H-Capita. Dựa trên hồ sơ thuốc do Thông viết, Bộ Y tế đã duyệt nhập khẩu đối với lô thuốc H-Capita. Đây là lô thuốc chữa ung thư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Bị cáo Phạm Văn Thông
Phạm Văn Thông là người phụ trách mảng quản lý chất lượng thuốc và biên soạn hồ sơ đăng ký thuốc của nhiều công ty dược, trong đó có phần việc soạn hồ sơ thuốc nhập khẩu.
Tháng 5/2013, Công ty VN Pharma thuê Thông soạn tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm cho thuốc H-Capita.
Thông nhận lời và yêu cầu VN Pharma gửi cho ông qua email các tài liệu về nhà máy sản xuất thuốc, địa chỉ công ty tại Canada, Giấy phép bán hàng tự do và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc. Dựa trên các tài liệu này, ông Thông đã viết tiêu chuẩn thuốc, hoàn thiện hồ sơ thuốc để VN Pharma trình Cục quản lý dược.
Ngày 5/10, Phạm Văn Thông có đơn cứu xét gửi tới các cơ quan chức năng, Thông cho rằng mình bị oan nhưng nếu các cơ quan tố tụng vẫn cho rằng bị cáo có tội thì xin được thi hành án sớm vì vụ án kéo dài khiến bị cáo quá mệt mỏi.
Cũng trong sáng 19/10, Luật sư Khưu Thanh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM bào chữa cho bị cáo Cường) cung cấp chứng cứ mới là giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định cấp giấy phép cho doanh nghiệp Helix Pharmaceuticals Inc… (Cục trưởng Cục quản lý dược Trương Quốc Cường thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ký cấp phép năm 2014 - PV).
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP VN Pharma tại phiên phúc thẩm sáng nay (19/10)
9h, Thẩm phán Phạm Thị Duyên tóm tắt nội dung vụ án.
Theo bản án, từ năm 2012, Hùng đã bàn với Cường nhập khẩu loại thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam. Do công ty ở Canada không cung cấp được một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ này.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
TAND TPHCM đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo khác trong vụ án này cũng bị tuyên từ 2 năm cho đến 5 năm tù.
Sau án sơ thẩm, bị cáo Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Cường kháng cáo kêu oan.
Ngày 22/9 , Viện KSND cấp cao tại TPHCM cũng đã có văn bản kháng nghị, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xem xét 4 vấn đề chính, gồm: Tội danh của các bị cáo; Án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội, lọt hành vi phạm tội; Kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án; Làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng chi hoa hồng trong các bệnh viện.
8h30, phiên tòa bắt đầu.
Chủ tọa phiên tòa thông báo theo dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày. tuy nhiên có thể kéo dài hơn tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa.
Sau đó, thư ký phiên tòa báo cáo những người có mặt tại phiên tòa. Theo đó, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Đáng chú ý, đại diện Bộ Y tế và Bộ Công thương không có mặt tại phiên tòa.
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng, những người này xin vắng mặt với lý do chính đáng vì vậy yêu cầu HĐXX tiếp tục phiên tòa. Mặt khác, phiên tòa này diễn ra trong nhiều ngày khi cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập những người này tới tòa.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, sự vắng mặt những người này không ảnh hưởng tới phiên tòa nên phiên tòa tiếp tục diễn ra.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cho rằng, trong vụ án, các bị cáo bị kháng nghị, trong khi đó bị cáo Duy, bị cáo Thông không có luật sư bào chữa. Trong kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TPHCM thì các bị cáo có dấu hiệu đồng phạm tội buôn lậu có mức hình phạt lên tới chung thân. Sau đó, HĐXX quyết định chỉ định luật sư để bào chữa cho bị cáo Duy và Thông.
Sáng nay (19/10), TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc chữa bệnh ung thư xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (gọi tắt là VN Pharma) theo kháng nghị của Viện KSND cùng cấp và kháng cáo của các bị cáo. Đến 8h sáng, tất cả các bị cáo tại ngoại có mặt để làm thủ tục tại phiên tòa. HĐXX đã triệu tập đại diện Bộ Y tế và Bộ Công thương, tuy nhiên đến thời điểm tại chưa có mặt tại phiên tòa.
Trước đó, TAND TPHCM tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP VN Pharma) 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo khác trong vụ án này cũng bị tuyên từ 2 năm cho đến 5 năm tù.
Sau khi bản án tuyên, có 6 bị cáo đã kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 22/9, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM kháng nghị phúc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong bản kháng nghị này nêu rõ cần điều tra làm rõ những người có liên quan tới số tiền 7,5 tỷ đồng mà công ty VN Pharma đã chi hoa hồng cho các bác sỹ bệnh viện.
Đây là một vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tại phiên tòa sơ thẩm Khai bị cáo Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) cho biết đã tự ý nâng khống giá thuốc nhằm hợp thức hoá khoản tiền chi hoa hồng cho bác sĩ.
Trong quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc cũng đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc.
Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỷ đồng. Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty.
Để luân chuyển dòng tiền này đến tay bác sĩ, các cá nhân trong Công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như Công ty Sa Chempha ở Camphuchia, Công ty Sigma Holding và Công ty Auspicious ở Hong Kong. Trong đó, Ngô Anh Quốc đứng tên số tiền trên 70 tỷ đồng, Nguyễn Trí Nhật đứng tên số tiền 59 tỷ đồng, Lê Thị Vũ Phương đứng tên số tiền 27,5 tỷ đồng, Nguyễn Văn Vàng đứng tên số tiền 5 tỷ đồng.
Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là thẩm phán Phạm Công Mười, hai thẩm phán cánh gà là ông Tô Chánh Trung và bà Phạm Thị Duyên (cả ba đều là thẩm phán cao cấp của TAND Cấp cao tại TPHCM).
Đại diện Viện KSND Cấp cao giữ quyền công tố có Viện trưởng Viện hình sự ông Nguyễn Văn Tùng, ngoài ra Viện Cấp cao còn cử thêm kiểm sát viên Nguyễn Gia Viễn.
Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này có 9 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Được biết hồ sơ vụ án có tới 21.758 bút lục.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.
Xuân Duy