Phụ huynh thờ ơ "đẩy con" đến gần miếng dán gây ung thư

(Dân trí) - Không ít lời cảnh báo về tác hại của miếng dán xuất xứ từ Trung Quốc gây vô sinh, ung thư cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tình để con mình tiếp xúc với loại đồ chơi “tử thần” này.

 

 Hưng khoe với chúng tôi về những miếng dán có hình siêu nhân xuất xứ từ Trung Quốc.
 Hưng khoe với chúng tôi về những miếng dán có hình siêu nhân xuất xứ từ Trung Quốc.

Không khó để thấy những cửa hàng bán miếng dán độc hại ở các cổng trường tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội. Ngay trước cổng trường Tiểu học cơ sở Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là dãy cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em tấp nập người ra vào. Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, những cửa hàng này thi nhau trưng ra các sản phẩm đồ chơi mới, lạ. Trong đó không thể thiếu miếng dán hoạt hình được sản xuất từ Trung Quốc.

Cầm trên tay một túi miếng dán đầy đủ các siêu nhân, nhân vật hoạt hình, Dương Minh Hưng (học sinh lớp 2 trường Tiểu học cơ sở Phương Canh) nói với chúng tôi: “Ở lớp cháu bạn nào cũng chơi miếng dán hình này. Mẹ cho tiền ăn sáng, cháu thường để dành để mua miếng dán đồ chới. Cháu và các bạn thường bóc ra dán vào tay, cặp sách, vở. Bây giờ cháu có đủ bộ nhân vật và vũ khí trong truyện tranh 7 viên ngọc rồng hay nhân vật Bento, Zimba, ông già Noel. Hôm trước cháu đổi với các bạn và tích cóp dần nên có được khoảng gần 100 miếng dán hình của “anh hùng” Songoku”.

dan4-1450487629397

Miếng dán được bày bán rong ở nhiều cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.

Vì bị các cô giáo cấm mang đồ chơi đến lớp nên chỉ tranh thủ lúc ra chơi, Hưng và các bạn mới dám đem ra để khoe nhau. “Bố mẹ thỉnh thoảng cũng mua cho cháu và em trai cùng chơi”, Hưng nói.

Theo quan sát của phóng viên, túi miếng dán mà Hưng cầm trên tay có đủ loại màu sắc, nhân vật, vũ khí của các bộ phim hoạt hình đang chiếu trên tivi, nhìn rất bắt mắt. Chúng được cắt ra từ những miếng nhựa dẻo, bên trên bề mặt được phủ một lớp sơn bóng in hình khá sắc nét. Mặt sau là lớp keo bám để trẻ có thể dán lên bất cứ vật dụng gì hoặc lên cơ thể mình. Ra đường, không khó để thấy những đứa trẻ dám trên má, chân tay, cặp sách những bông hoa, ngôi sao được cắt ra từ miếng dán “tử thần”.

Để “mê hoặc” học sinh, nhà sản xuất đã sử dụng chiêu trò kích thích sự đua ganh của trẻ em. Theo đó, các miếng dán này được mô phỏng các nhân vật trong truyện tranh hoặc hoạt hình từ cấp độ thấp đến cấp cao. Tuần này họ thiết kế một nhân vật trình độ võ thuật, sức mạnh… thấp rồi càng về sau, các miếng dán có hình nhân vật cấp cao hơn lần lượt xuất hiện. Và học sinh từ đó cứ đua nhau mua nhận vật võ giỏi, nhiều sức mạnh để so sánh. Hoặc miếng dán nhân vật A sẽ “khắc chế” nhân vật B, B khắc C… theo kiểu xoay vòng. Và trẻ cứ chạy theo nhà sản xuất mỗi khi sản phẩm mới được “ra lò”.

dan3-1450487629395

Mặc dù miếng dán được ghi bằng tiếng Anh nhưng lại “made in China”.

Điều khiến chúng tôi cảm thấy khá ngạc nhiên là nhiều bậc phụ huynh tỏ ra rất thờ ơ với những loại đồ chơi được cảnh báo vô cùng độc hại này.

Đang đứng đợi con ở cổng trường Tiểu học cơ sở Xuân Phương, khi chúng tôi nói đến miếng dán độc hại, chị Nguyễn Thanh Mai (29 tuổi, trú Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngỡ ngàng cho biết: “Như vậy thì nguy hiểm quá. Đến nay tôi mới nghe được thông tin này. Tôi có cậu con trai vừa vào lớp 1. Con tôi rất hay đòi mua miếng dán này. Thấy rẻ, cháu lại thích nên tôi hay mua để thưởng khi con được điểm 10. 10.000 đồng có thể mua được một túi gồm hàng chục nhân vật hoạt hình, cháu có thể chơi được mấy tuần. Chơi chán, con tôi dán đầy lên cặp, giá sách và kín cả bàn học”.

dan5-1450487629434

Những miếng dán độc được mô phỏng theo các nhân vật truyện tranh, hoạt hình.

“Thậm chí đứa con gái thứ hai còn thường hay cầm những miếng dán này cho vào miệng. Lát về tôi phải bóc hết tất cả những miếng dán này ném đi. Như thế này chẳng hóa ra là họ sản xuất đồ chơi để giết trẻ con”, phụ huynh này chia sẻ.

Chị  Mai cũng thừa nhận, khi mua những miếng dán hoạt hình này không để ý đến xuất xứ. “Trên bao bì của nó ghi bằng tiếng Anh có tên Coloring. Tôi chỉ đọc lướt qua dòng chữ lớn ở đằng sau có ghi là không cho trẻ con dưới 3 tuổi chơi đồ chơi này. Đến giờ này tôi đọc kỹ thì thấy ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí sản phẩm còn không có mã vạch, không biết cơ sở nào, tỉnh nào và sản xuất, hết hạn sử dụng là ngày tháng nào”, chị Mai bức xúc.

Không giống như chị Mai, chị Dương Thu Hoài, chủ shop bán giày dép ở chợ Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) biết rõ miếng dán là do người Trung Quốc sản xuất nhưng vẫn mua về cho con chơi.

dan2-1450487629393

Chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em đối diện trường Tiểu học cơ sở Phương Canh (Nam Từ Liêm) quảng cáo về những miếng dán.

“Tôi cũng nghe thông tin này loáng thoáng trên ti vi nhưng thấy họ nói là ở nước ngoài. Từ trước đến nay, tôi chỉ nghĩ rằng thực phẩm, trái cây, những thứ ăn vào người được Trung Quốc tuồn sang Việt Nam mới có thể gây ung thư, vô sinh chứ đâu nghĩ miếng dán cho trẻ con cũng độc hại đến vậy”. Được biết, con gái chị Hoài năm nay 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo lớn và cũng là “tín đồ” của loại trò chơi độc hại này.

Chị Hoài cho rằng, trong vấn đề này không thể trách người dân được. Bởi các sản phẩm này đang bày bán tràn lan trên thị trường, có ai cấm đâu. Hơn nữa, không có đồ chơi nước nào rẻ mà lại đẹp giống như đồ chơi Trung Quốc. Hàng Việt Nam hay các nước như Thái Lan, Nhật Bản… luôn có giá cao ngất ngưởng thì làm sao công nhân, người làm thuê đâu dám sờ tới.

Tuấn Hợp