Đồ chơi độc hại: Nhiễm vào cơ thể qua tiếp xúc, tiêu hóa
(Dân trí) - Đồ chơi trẻ em chứa các chất độc hại có thể gây dị ứng, rối loạn nội tiết, thậm chí cả nguy cơ ung thư đã được cảnh báo. Nhiều loại đồ chơi chứa các chất độc hại này, từ búp bê, thú nhún từng bị thu hồi trên thế giới.
Mới đây, hệ thống RAPEX cũng khuyến cáo các loại đồ chơi chủ yếu làm bằng nhựa như búp bê (nhái búp bê Barbie), đồ chơi tập lặn, bộ đồ chơi nhà bếp, kính bơi, bộ đồ chơi bác sĩ, miếng dán hình thú, hoạt hình, hình kẹo cũng được liệt kê vào danh sách có khả năng sử dụng phthalates cao. Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồ chơi sẽ bị coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm.
Na Uy là nước đầu tiên tại châu Âu tuyên bố thu hồi toàn bộ những sản phẩm miếng dán hoạt hình vì nghi ngại mối đe dọa đến sức khỏe cho trẻ em khi tiếp xúc. Ngoài ra, RAPEX còn cảnh báo toàn EU về việc cần thiết phải thu hồi hết các sản phẩm này để đảm bảo an toàn tối đa sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Tại Việt Nam, Cục quản lý Chất lượng hàng hóa, thuộc Tổng cục đo lường chất lượng vừa kiểm nghiệm và phát hiện những miếng dán đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc phthalates - loại chất có thể gây dậy thì sớm với bé gái và vô sinh ở bé trai, vượt ngưỡng an toàn hàng trăm lần.
Trên thực tế, chất độc phthalates này đã từng được cảnh báo từ năm 2013, Singapore đã quyết định thu hồi khoảng 400 con thú nhún. Các con thú nhún với đủ hình dạng từ hình con hươu, ngựa, tuần lộc đã được phát hiện chứa nồng độ chất phthalates độc hại.
Đây là một chất hóa dẻo được sử dụng trong bổ sung vào nhựa để làm mềm hơn và tăng khả năng chịu nhiệt. Việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Chất hóa dẻo DBP, DOP có tác dụng giống như hormone nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...
Tương tự, Bộ Y tế Cộng hòa Czech từng đưa ra lời cảnh báo loại búp bê của Trung Quốc được làm từ vật liệu chứa phthalates độc hại, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan sinh sản.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, những đồ dùng bằng nhựa nói chung và những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ nói riêng, trong thành phần của chúng không thể thiếu phthalates.
Phthalates có đặc điểm là chúng chỉ hòa tan trong nhựa mà không có liên kết chặt chẽ với các chất cao phân tử trong nhựa nên trong môi trường chúng rất dễ bị thoát ra khỏi đồ nhựa. Đặc biệt, nếu ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalatses càng nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt hệ nội tiết của trẻ.
Bộ Y tế Cộng hòa Czech cũng khuyến cáo người dân, khi chơi với búp bê, đồi chơi chứa chất phthalates các este của axít phtalic có thể ngấm vào cơ thể trẻ qua da hoặc tiêu hóa - nước bọt.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), việc cho trẻ chơi các đồ chơi rẻ tiền, bằng nhựa tái chế có thể gây dị ứng cho trẻ. Sự tiếp xúc với nhựa không đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể khiến trẻ bị ngứa, nổi mẩn đỏ vùng da tiếp xúc. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, nguy cơ này càng cao hơn.
Còn khi đồ chơi chứa các chất như trên, rõ ràng sự tiếp xúc lâu dài với đồ chơi có thể gây thôi nhiễm, thẩm thấu, gây độc với cơ thể trẻ em, nhất là trẻ nhỏ khi chơi thường xuyên ngậm, mút đồ chơi. Bản thân PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã lên chức ông và chưa bao giờ mua đồ chơi Trung Quốc bán tràn lan trên các phố cho cháu chơi. Khi khám bệnh, ông cũng khuyến cáo các bà mẹ, không khuyến khích trẻ bằng cách “thưởng” những đồ chơi Trung Quốc, những tấm dán trên thị trường bởi không lường được những nguy cơ về sức khỏe.
Theo các chuyên gia, dấu hiệu để nhận biết phthalates có trong đồ chơi là sản phẩm có mùi nhựa rất nồng và bề mặt dạng sáp. Chất phthalates là chất làm mềm nhựa chứ không phải tạo ra liên kết chặt chẽ nên nó dễ thôi ra, để sản phẩm ở nhiệt độ càng cao thì khả năng thôi ra càng lớn.
Ngoài nguy cơ nhiễm chất phthalates, đồ chơi có màu sắc rực rỡ còn có nguy cơ sử dụng các ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng. Do đó cha mẹ nên mua đồ chơi đạt chất lượng, đảm bảo an toàn cho trẻ, phòng nguy cơ do trong đồ chơi này có thể có những chất gây hại cho cơ thể. Đồ chơi cần thường xuyên được làm sạch và trẻ cần rửa tay sạch sẽ sau khi chơi đồ chơi để giảm nguy cơ cơ thể nhiễm các chất này qua đường tiêu hóa.
Hồng Hải