Phụ huynh lơ là, liên tiếp 2 trẻ nhỏ chết đuối thương tâm
(Dân trí) - Vừa chập chững những bước đi đầu đời, bé trai đã bị té xuống ao nuôi tôm, một trường hợp khác đang cũng bị cắm đầu vào xô nước. Sự sơ ý trong việc phòng tránh tai nạn và thiếu kiến thức sơ cứu ban đầu của người lớn khiến con trẻ chết tức tưởi.
Để mắt đến con thì đã muộn
Ngày 6/6, BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM buồn rầu tâm sự: “Mặc dù chúng tôi đã tích cực cứu chữa, nhưng thật tiếc vì cả hai ca bệnh bị đuối nước tuần qua, các bé nhập viện trong tình trạng quá nặng.”
Theo lời BS Phương, trường hợp thứ nhất là bé gái 13 tháng tuổi (ngụ tại Đồng Nai) được bệnh viện địa phương chuyển đến trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra, cháu chơi trong nhà. Sau một hồi không thấy giọng bi bô của bé, người nhà gọi và tìm thì tá hỏa phát hiện bé bị cắm đầu vào xô nước trong nhà tắm.
Đuối nước là tai nạn đặc biệt nguy hiểm, phụ huynh cần có phải thường xuyên để mắt đến con trẻ và có giải pháp phòng tránh
Khi vớt ra, bé đã tím tái, người nhà sốc nước, sơ cứu, đưa tới bệnh viện địa phương, rồi tiếp tục chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Tại đây, cháu được hồi sức tích cực, nhịp tim hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do bị ngạt nước quá lâu nên não thiếu ô xy, vùng não chết lan rộng khiến bé rơi vào tình trạng trụy mạch, phù não. Bất chấp nỗ lực của bác sĩ, bệnh nhi không thể qua khỏi sau 2 ngày điều trị.
Cái chết đau lòng của bé gái chưa lắng xuống thì bệnh viện Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận thêm một trường hợp đuối nước khác. Nạn nhân lần này là bé trai 2 tuổi (ngụ tại quận 8, TPHCM). Theo thông tin người nhà cung cấp cho bác sĩ, trước đó cháu ở nhà, trong lúc bận làm việc nhà, phụ huynh không để mắt đến con. Khi không thấy bé, mọi người túa đi tìm thì phát hiện cháu đang nổi dưới ao nuôi tôm cách nhà vài chục mét.
Cháu lập tức được vớt lên bờ nhưng cơ thể đã tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Người nhà vội vã sốc nước, đưa đến bệnh viện quận cấp cứu và tiếp tục chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Dù các bác sĩ đã hồi sức tích cực nhưng não bệnh nhi đã bị tổn thương nặng, hô hấp và tim của bé lịm dần ngay trên giường cấp cứu.
Không thể lơ là 1 phút
Phân tích của BS Phương chỉ ra, chết đuối là tai nạn thường gặp nhất tại khoa Cấp cứu của bệnh viện. Mỗi năm, Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 đến 30 ca bị đuối nước, phần lớn các trường hợp chuyển đến đều trong tình trạng rất nặng đã ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc tuyến quận huyện. Nguyên nhân đuối nước của trẻ thường là do tắm ao, hồ, sông, suối hoặc ngạt nước ngay trong nhà do cắm đầu vào xô, chậu. Tai nạn này thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào thời điểm những tháng hè khi các bé nghỉ học ở nhà nhưng do người lớn bận công việc nên ít để mắt đến con trẻ.
Tai nạn đuối nước, ngạt nước có thể cướp đi sinh mạng các bé chỉ trong vòng 4 đến 5 phút bị ngập trong nước. Giải pháp tốt nhất để phụ huynh phòng tránh những cái chết thương tâm cho con trẻ là thường xuyên để mắt đến các bé; trong trường hợp người trông trẻ bận, cần phải có người khác chăm sóc hộ; tuyệt đối không để xô, chậu đựng nước trong nhà vệ sinh vì trẻ nhỏ thường hay nghịch nước khi bị cắm đầu vào thì không đủ sức để thoát ra; khi trẻ tắm ao, hồ, sông suối hoặc bể bơi cần có người lớn tắm cùng hoặc có sự giám sát của người lớn; tập bơi cho trẻ là phương pháp tốt nhất để phòng đuối nước.
Khi phát hiện trẻ ngạt nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan mức độ phập phồng của lồng ngực. Nếu lồng ngực bất động thì trẻ đã bị ngưng thở lúc này người cứu nạn cần phải phải ấn tim và hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.
Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5 đến 10 phút. Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô hoặc taxi, đặt trẻ lên mặt phẳng cứng và tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi tới cơ sở y tế gần nhất.
Khi nạn nhân bị ngạt nước, lượng nước ở trong phổi không nhiều, sẽ được tống ra ngoài khi nhịp tim và đường thở được khai thông trở lại. Vì vậy, khi cứu hộ đuối nước cần tuyệt đối tránh sốc nước theo cách dốc ngược nạn nhân, vác lên vai chạy hoặc lăn lu (cách làm dân gian không khoa học của một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long). Đây là hành động hoàn toàn sai sẽ làm mất thời gian vàng trong vòng 3 đến 5 phút đầu để nhấn tim thổi ngạt cho bệnh nhân.
Vân Sơn