Phòng viêm gan B để tránh ung thư gan

Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao, ước tính khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.

Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư gan.  
 

Nỗi ám ảnh của bác sĩ

Làm bác sĩ ung thư, hằng ngày khám hàng chục bệnh nhân ung thư, mỗi người mỗi hoàn cảnh, ám ảnh và đáng tiếc nhất vẫn là những bệnh nhân trẻ tuổi, vẫn đang phơi phới với các hoài bão, ước mơ mà y học hiện đại cũng không cứu được.

Nhiều thanh niên mới đôi mươi, đang học đại học, đi khám vì đau tức vùng hạ sườn phải, ăn nhanh no, cảm giác đầy hơi… siêu âm ổ bụng thấy khối u gan chiếm gần toàn bộ gan phải, phẫu thuật là không thể.

Mình hỏi: Em có bị viêm gan B không? Em không biết, vì từ nhỏ e chưa đi khám bao giờ. Bố mẹ em có bị viêm gan B không? Mẹ bệnh nhân đi cùng cho biết cũng chưa đi khám nên không biết. Làm xét nghiệm viêm gan B, cả hai mẹ con HBsAg đều “dương tính”.

Nhiều người vất vả cả đời không biết đi khám sức khỏe là gì, đến lúc có vấn đề đi khám thì đã muộn. Có người giàu có, quan tâm đến sức khỏe, tháng nào cũng đi xét nghiệm, kiểm tra danh sách có các loạt marke ung thư hết 3 - 4 triệu đồng mà không hề có xét nghiệm HBsAg vừa rẻ tiền vừa hữu ích và hậu quả là vẫn bị ung thư gan.

Việt Nam là nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao; ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới. Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính dẫn tới ung thư gan. 

Những việc cần làm để tránh mắc viêm gan B 

1. Sàng lọc viêm gan B cho tất cả người dân, dù người đó có hoặc không có triệu chứng của viêm gan cấp và mạn tính, bất kể đã tiêm phòng hay chưa. Đặc biệt, tập trung vào một số đối tượng: Phụ nữ mang thai; Người mắc các bệnh gan mạn tính: Xơ gan, gan nhiễm mỡ, tăng men gan, bệnh gan tự miễn; Người được điều trị liệu pháp miễn dịch; Người hiến máu, huyết tương, nội tạng, mô hoặc tinh dịch; Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV; Người nhiễm HIV hoặc virus viêm gan C; Người có nhiều bạn tình và/hoặc có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục

2. Sàng lọc bằng cách nào?: Xét nghiệm HBsAg: Kháng nguyên bề mặt của viêm gan B;  HBsAg xuất hiện trong huyết thanh 1 đến 10 tuần sau khi tiếp xúc với HBV cấp tính, trước khi xuất hiện các triệu chứng gan hoặc tăng alanine aminotransferase huyết thanh (ALT). Ở những bệnh nhân sau đó hồi phục, HBsAg thường trở nên không thể phát hiện sau 4 -6 tháng. Sự tồn tại của HBsAg trong hơn 6 tháng ngụ ý nhiễm trùng majn tính.

3. Tiêm phòng viêm gan B: Văcxin viêm gan B là trụ cột của công tác dự phòng viêm gan B. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên; Tiếp theo liều sau sinh, cần tiêm thêm 3 liều nữa để hoàn thành loạt tiêm ban đầu. Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng trước đó cũng nên được chủng ngừa.

- Những người trong nhóm nguy cơ cao cần được chủng ngừa: Những người thường xuyên cần truyền máu hoặc các sản phẩm của máu, bệnh nhân lọc máu, người nhận ghép tạng; Người tiêm chích ma túy; Người có tiếp xúc với những thành viên gia đình và quan hệ tình dục với những người bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính; Những người có nhiều bạn tình cũng như nhân viên y tế và những người có thể phơi nhiễm với máu và các sản phẩm của máu trong khi làm việc; Du khách chưa hoàn thành liệu trình tiêm chủng văcxin viêm gan B cũng cần được tiêm văcxin trước khi đến vùng có dịch.

BS Trịnh Thế Cường (Khoa Ung bướu, Bệnh viện E)

Theo Khoahocdoisong.vn

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm