Phòng khám Đông y Trung Quốc: Giữa sự thật và quảng cáo

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng quảng cáo cho các phòng khám Đông y Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam về việc họ có khả năng chữa khỏi hoàn toàn một số loại bệnh mà Tây y đã “bó tay”, hoặc không dứt điểm.

 Một số bệnh nhân sau khi chữa trị trực tiếp phản ánh về việc họ bỏ ra cả chục triệu đồng, nhưng bệnh không thuyên giảm hoặc không đạt như những lời quảng cáo. Sau khi khảo sát trực tiếp một số phòng khám Đông y Trung Quốc tại Hà Nội, chúng tôi gửi tới bạn đọc những thông tin xác thực để giúp người bệnh thuận lợi cho chữa bệnh và cơ quan chức năng có thêm thông tin làm công tác quản lý.

 
Một phòng khám Đông y Trung Quốc tại Hà Nội.
Một phòng khám Đông y Trung Quốc tại Hà Nội.


Chất lượng khám, chữa bệnh nghe từ quảng cáo

 

Trên trang quảng cáo của một tờ báo đăng: “Phòng khám V.A.Đ. do các giáo sư chuyên gia thăm khám có hơn 30 năm kinh nghiệm và phương pháp độc đáo trong việc điều trị các bệnh xã hội được đông đảo bệnh nhân đánh giá cao. Họ vận dụng các bài thuốc chiết xuất từ động vật, từ mật động vật, các nguyên tố vi lượng ở đáy biển từ khoáng sản, từ những thảo dược thiên nhiên quý hiếm, phối hợp với phương pháp điều trị sáng tạo, độc đáo, trong vòng một phút có thể mất đi các nốt sùi mào gà mà không gây đau đớn, điều trị các bệnh viêm tiền liệt, viêm liệu đạo, herpes sinh dục chỉ một liệu trình sẽ khỏi dứt điểm. “Bệnh nhân mắc phải bệnh nói trên hãy mau chóng đến ngay phòng khám để được chữa trị và giảm 30% giá thuốc”…

 

Tại trang web: www.rongb..., trong mục quảng cáo cũng ghi rõ: Phòng chẩn trị Y học cổ truyền V.T., đường Giải Phóng ứng dụng nhiều bài thuốc nghiệm phương tinh hoa 4000 năm của Y học cổ truyền Trung Hoa, các bác sỹ tại phòng khám đã đem hết tâm huyết của mình để phục vụ người bệnh. Đội ngũ bác sỹ của phòng khám đã chữa trị hồi phục cho nhiều bệnh nhân.

 

Hiện nay, phòng khám chuyên điều trị tận gốc: bệnh trĩ (nội - ngoại), bệnh động kinh, bệnh ngoài da, các bệnh sinh lý yếu, bệnh hen xuyễn, bệnh viêm phế quản và các bệnh xã hội. Với phương pháp chữa trị cả ngọn lẫn gốc của bệnh, có tác dụng huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc, nhuyễn kiên tán kết, giải độc, tiêu thũng, chỉ cần uống thuốc từ 1 đến 2 liệu trình có thể làm cho bệnh tiêu tán. Các tĩnh mạch được hồi phục bình thường không tái phát...

 

Vào phòng khám, khám bệnh và nghe “chém gió”

 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề có liên quan, chúng tôi khảo sát thực tế tại một số phòng khám Đông y Trung Quốc tại Hà Nội. Điểm thứ nhất chúng tôi đến là Phòng khám Đông y H.K., nằm trên đường Láng Hạ, Hà Nội. 11h30 ngày 4/7, thấy chúng tôi mở cửa phòng khám, từ bên trong, một người đàn ông tuổi khoảng 40, ăn vận xoàng xĩnh ra đón.

 

Nghe tôi trình bày về mình bị chứng bệnh đau lưng, mất ngủ đã hơn một tháng, người đàn ông tự giới thiệu là bác sỹ tên N. tiến hành “thăm khám”. Nói là “thăm khám” chứ thực chất, vị bác sỹ trên chỉ hỏi qua loa vài câu như: “Em mất ngủ lâu chưa?”, “Em cứ ngồi là đau lưng à?”, “Sinh hoạt vợ chồng có bị ảnh hưởng gì không?”, “Tuổi em bao nhiêu”… rồi đưa ra kết luận: “Em đang có biểu hiện của chứng thận hư!”.

 

Nghe mà tôi phát hoảng vì cách thăm khám siêu tốc của vị bác sỹ Đông y này. Không sử dụng phương tiện khám, không bắt mạch mà chỉ qua vài lời hỏi han xã giao, vị bác sỹ đã kết luận chứng bệnh đau lưng, mất ngủ của tôi là biểu hiện của bệnh thận hư. Đồng thời đi kèm là lời khẳng định như đinh đóng cột: “Bệnh của em nếu không được chữa trị kịp thời thì hệ lụy đi kèm với chứng bệnh này là rất khôn lường”.

 

Như để tôi thêm tin tưởng vào khả năng bắt “trăm bệnh trăm trúng” của mình, vị bác sỹ tên N. này cho biết là người gốc Hồng Kông, được đào tạo cơ bản về y học dân tộc. Vị bác sỹ này cho hay, để chữa dứt điểm chứng đau lưng, mất ngủ, tôi phải sử dụng thuốc nang kết hợp với việc xoa bóp bằng loại dầu đặc trị do cơ sở cung cấp trong vòng một tháng.

 

Mỗi ngày, tôi phải uống 3 viên thuốc có giá 200 ngàn đồng vào ba buổi: sáng – trưa – tối. Số tiền nhẩm tính theo đó tôi phải chi là 6 triệu đồng cho một tháng sử dụng. Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại trước khoản tiền lớn trên, bác sĩ N. đưa ra ý kiến: “Vậy, em mua và sử dụng thuốc trong vòng 7 ngày xem sao. Số tiền chi ít chắc em dễ chịu hơn?”.

 

Điểm thứ hai chúng tôi tìm đến là Phòng khám Đông y H.V. nằm trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Tấm biển hiệu khổ to với dòng chữ “H.V. luôn đồng hành với sức khỏe của bạn”. Sau khi hỏi tên, tuổi, quê quán của tôi, nữ nhân viên phòng khám tên Thảo đặt ngay vào tay tôi quyển sổ khám, kèm theo câu nói: “40 ngàn đồng anh ạ”.

 

Tôi trả lời: “Tôi chưa định lấy thuốc uống mà”. “Anh không khám thì sao có thuốc uống được. Để khám được thì anh phải có sổ khám bệnh chứ”, nhân viên Thảo nói. Thì ra, dù có mua thuốc hay không thì mọi người bệnh đến đây cũng đều phải mất một khoản phí 40 ngàn đồng, gọi là “phí khám”.

 

Tôi vào bên trong gian phòng khám bệnh. Ngồi sau cánh cửa kính là một vị bác sỹ tuổi ngoài 50, nói tiếng Trung Quốc. Nghe tôi bảo bị đau dạ dày, vị bác sỹ hỏi một tràng: “Cậu bị đau bụng lúc nào”, “Bụng có đầy hơi không”… Sau đó, vị bác sỹ này bắt mạch cho tôi. Qua vài phút thăm khám, vị bác sỹ khẳng định, tôi đang bị viêm dạ dày, mức độ cao hơn là ung thư dạ dày.

 

Theo vị bác sỹ, đơn thuốc tôi phải uống thuốc hoàn tán trong vòng 20 ngày. Mỗi ngày, khoản tiền phải chi cho đơn thuốc uống là 300 ngàn đồng. Khi thấy tôi đưa ra lý do không mang đủ tiền, tí nữa quay lại lấy thuốc sau. Nữ nhân viên Thảo nói: “Anh đi lấy tiền gửi ngân hàng à. Để em cho người đi cùng anh”. Sau ít phút cò kè, tôi đành phải để lại một số tiền tạm ứng, nữ nhân viên cùng vị bác sĩ này mới để cho tôi rút khỏi phòng khám, với lời hẹn: “Sáng mai quay lại”.

  

Một vài sự thật: Tiền mất, tật mang

 
Ông Chỉnh kể lại sự việc với phóng viên.
Ông Chỉnh kể lại sự việc với phóng viên.

Một nạn nhân của phòng khám Đông y Trung Quốc là ông Nguyễn Hữu Chỉnh, 74 tuổi, trú tại khối Chiến Thắng, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội đã trực tiếp phản ánh với PV Báo CAND. Ông Chỉnh bị bệnh viêm phế quản cách đây 14 năm. Ông đã đi điều trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả.

 

Cách đây 2 tháng, ông tình cờ nhặt được tờ rơi giới thiệu về một phòng khám Đông y Trung Quốc, nằm trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội giới thiệu chữa được các loại bệnh mãn tính. Ông lập tức đến phòng phám Đông y trên đường Nguyễn Trãi thì gặp một bác sỹ người Trung Quốc và một phiên dịch.

 

Sau khi khám cho ông, vị bác sỹ nói có ba liệu trình khác nhau để ông trọn. Liệu trình thứ nhất có giá 12 triệu đồng/10 ngày điều trị. Liệu trình thứ hai có giá 10 triệu đồng/10 ngày điều trị. Liệu trình thứ ba có giá 8 triệu đồng/10 ngày điều trị. Ông Chỉnh trọn liệu trình ba và được vị bác sỹ cấp 5 loại thuốc (gồm thuốc bột và thuốc viên).

 

Dù thấy giá cao, song vì muốn nhanh chữa khỏi bệnh nên ông vẫn chấp nhận trả đủ số tiền mà phòng khám đưa ra. Sau 10 ngày điều trị thấy bệnh chưa giảm, ông Chỉnh đến phòng khám này mua tiếp một liệu trình 10 ngày điều trị nữa với giá 8 triệu đồng. Tuy nhiên, dù đã uống thuốc 20 ngày nhưng bệnh viêm phế quản của ông vẫn không giảm. Ông vẫn bị ho nhiều và có nhiều đờm mỗi lần ho. Điều đáng nói là toàn bộ số thuốc ông Chỉnh được phòng khám này bán cho để sử dụng đều không có nguồn gốc, xuất xứ. 

 

Mới đây, đoàn Thanh tra Sở Y tế TP HCM bất ngờ kiểm tra Phòng khám y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận. Điều đáng ngạc nhiên là khi Đoàn Thanh tra vừa xuất hiện, một số “bác sĩ” Trung Quốc đang khám bệnh lập tức cởi áo blouse và bỏ ra ngoài hết.

 

Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám vẫn mở cửa hoạt động và có khoảng chục bệnh nhân đang được khám hoặc ngồi chờ khám. Ở đây có điều khó hiểu, nếu được khám bệnh hợp pháp thì tại sao các bác sĩ Đông y đó phải bỏ chạy? Ngược lại, phòng khám Đông y Trung Quốc đó ngang nhiên hoạt động thì cơ quan quản lý đứng ở đâu mà không nhìn thấy họ hoạt động sai phép trước khi bị phát hiện.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, khó khăn hiện nay là các phòng khám Đông y Trung Quốc sử dụng bệnh nhân và thông qua phương tiện truyền thông để quảng cáo. Thực sự các phòng khám có chữa được bệnh không cần có thời gian tìm hiểu.

 

Chuyện chữa được bệnh nan y trên thực tế chưa có bằng chứng khoa học nào thuyết phục. “Các bài thuốc Đông y không thể chữa khỏi bệnh 100% mà chỉ mang tính hỗ trợ điều trị. Những bài thuốc họ quảng cáo chỉ đánh vào tâm lý người bệnh”, ông Sơn khẳng định.

 

Theo Nguyễn Hưng - Trần Huy

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm