Phòng khám bác sĩ gia đình vắng như chùa bà đanh
Lấy lý do bác sĩ gia đình là một trong những phương án để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên nên ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, ngày 22.3.2013, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020. Sau 2 năm triển khai, nhiều người đã phải... giật mình ngẫm lại.
Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên
Bác sĩ gia đình là người giải quyết những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và tư vấn, hướng dẫn cho người dân chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Theo PSG-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay mô hình bệnh tật ở Việt Nam là mô hình bệnh tật khép kín, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi các nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng dần nên nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng tăng. Do đó, việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại công đồng là hết sức cần thiết. Vì vậy rất cần thiết đến mô hình bác sĩ gia đình.
Ông Khuê cho biết mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam là nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện.
Bác sĩ gia đình chính là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, nơi theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường, chỉ những bệnh nặng, đòi hỏi sâu về chuyên môn thì bác sĩ gia đình mới chuyển đến tuyến 2 - 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn. “Điều này sẽ giúp bác sĩ ở các bệnh viện không phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân chỉ đau bệnh nhẹ cũng tới khám, làm giảm sức ép về quá tải cho các bệnh viện tuyến trên”, ông Khuê khẳng định.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tiền Giang) mô hình này đã bộc lộ nhiều điều bất cập, không thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Đó là chưa kể 2 địa phương ( Hải Phòng và Thái Nguyên) có thành lập đề án bác sĩ gia đình, nhưng chưa triển khai được phòng khám bác sĩ gia đình nào.
2 năm không có bệnh nhân nào đến khám
Những địa phương nói là có phòng khám bác sĩ gia đình, nhưng không ít nơi gần như chẳng có bệnh nhân nào đến khám chữa bệnh. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết đề án thí điểm bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế cho biết trong suốt 2 năm qua, tại Tiền Giang không có một bệnh nhân nào đến phòng khám bác sĩ gia đình để khám và điều trị cả.
Ngay như Cần Thơ, một địa phương trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hơn 2 năm qua, những phòng khám bác sĩ gia đình ở đây chỉ có 5 người đến chữa bệnh, không thực hiện được các thủ thuật hay xét nghiệm nào.
Riêng TP.HCM, địa phương được xem là có số lượng phòng khám bác sĩ gia đình nhiều nhất nước với 149 phòng khám, nhưng nhiều phòng khám bác sĩ gia đình ở đây cũng chỉ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc bệnh cho bệnh nhân chứ ít khi thực hiện những nhiệm vụ cơ bản của bác sĩ gia đình.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, TP.HCM, hiện địa phương này có 5 phòng khám bác sĩ gia đình được đặt tại các trạm y tế phường. Trong 6 tháng vừa qua, toàn bộ 5 phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn quận chỉ khám được… 9 bệnh nhân.
Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) được xem là phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động có hiệu quả nhất TP đang được ngành y tế đề xuất học tập cách làm này. Nhưng chính bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2 cũng than: “Nói là phòng khám bác sĩ gia đình, chứ hiện tại không có bác sĩ nào chuyên trách. Bác sĩ khám ở phòng khám bác sĩ gia đình chỉ là bác sĩ ở các khoa, phòng khác của bệnh viện đến khám chữa bệnh”.
Điều này cho thấy đây chỉ là việc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện sang phòng khám bác sĩ gia đình. Thực chất những bác sĩ ở phòng khám bác sĩ gia đình đều là bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện này. Những bác sĩ này khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ở bệnh viện nên khi qua phòng khám bác sĩ gia đình thì những bệnh nhân này đi theo, chứ chẳng có bệnh nhân nào “chui thẳng” vào phòng khám bác sĩ gia đình để khám cả.
“Phần đông bệnh nhân đến phòng khám bác sĩ gia đình đều do sự “lôi kéo” này, chứ bản thân bệnh nhân chưa hiểu biết gì về bác sĩ gia đình, không mặn mà đến với phòng khám bác sĩ gia đình”,ông Khanh nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay các phòng khám bác sĩ gia đình ở TP không đủ nhân sự do tập trung vào việc phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, các chương trình sức khỏe và những hoạt động khác của địa phương. Trong khi đó, hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình chưa lồng ghép được các hoạt động, chức năng vốn có của trạm y tế.
“Việc phòng khám bác sĩ gia đình chưa thu hút được bệnh nhân là do chưa có bảo hiểm y tế ở trạm; người dân chưa hiểu biết chung về mô hình bác sĩ gia đình và chưa tin cậy vào phòng khám bác sĩ gia đình ở trạm y tế”, ông Hưng nhận định.
Theo Hồ Quang
Một thế giới