Phòng bệnh trước “mùa” Rubella

(Dân trí) - Bệnh Rubella đang có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh phía Nam với đối tượng mắc bệnh chủ yếu là học sinh trung học, sinh viên và công nhân lao động sống trong môi trường đông đúc, chật hẹp.

Dễ bùng phát trong môi trường đông đúc

 

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ TƯ, điều kiện sống chật chội, thiếu ánh sáng, chật trội như ở nhà trọ, ký túc xá, chợ… là nguyên nhân bệnh Rubella dễ bùng phát.

 

Và trên thực tế, trong thời gian gần đây, ở một số tỉnh phía Nam như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, các ca bệnh Rubella đa phần tập trung ở độ tuổi học sinh trung học, sinh viên và công nhân lao động… và hầu hết các bệnh nhân lây mới đều có tiếp xúc với các bạn có sốt và phát ban.

 

TS Đính cảnh báo, Rubella lây truyền qua đường hô hấp khi người lành hít phải những giọt dịch tiết đường mũi, họng (nước bọt, nước mũi) có chứa vi rút của người bệnh khi tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt với người bệnh. Bệnh cũng lây qua tiếp xúc các vật dụng, các bề mặt sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi… có dính chất tiết mũi họng của người bệnh.

 

Với tính chất lây lan như vậy, những đối tượng sống tập thể như sinh viên trong kí túc xá, công nhân, tiếp xúc trong môi trường đông đúc… rất dễ lây chéo bệnh cho nhau.

 

Để bệnh Rubella không bị bùng phát, việc vệ sinh môi trường tại các xí nghiệp, khu công nghiệp, trường học, chợ búa là phải đặc biệt coi trọng. Môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng sẽ khiến virus Rubella không thể phát triển mạnh.

 

Tiêm phòng tốt nhất khi nào?

 

TS Đính cho biết, trước đây, trẻ nhỏ từ 1 - 5 tuổi là đối tượng chính của căn bệnh này. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lứa tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất lại là các bé gái trong tuổi 10 - 19. Để dự phòng chủ động rubella cho mọi cá thể, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vac-xin phòng rubella.

 

Đối với trẻ, tiêm vac-xin phòng bệnh mũi một sau 15 tháng tuổi, mũi hai cách mũi một 6 - 10 tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ 4 - 6 tuổi.

 

Người lớn nếu chưa mắc rubella cũng nên tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở tuổi sinh đẻ.

Với phụ nữ, dù đã tiêm phòng Rubella khi còn trẻ, nhưng trước khi có ý định mang thai, tốt nhất nên tiêm nhắc lại một mũi. Tiêm phòng trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho con. Tiêm phòng sau 3 tháng mới nên có thai.

 

Rubella là bệnh lành tính, nhưng với phụ nữ mang thai, nếu bị bệnh ở 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ thường phải đình chỉ thai, vì nó có thể gây những dị tật nặng nề cho thai nhi. Có tới 80% thai phụ bị rubella ở 3 tháng đầu mang thai bị các dị tật bẩm sinh nặng nề như hở hẹp van tim, tăng nhãn áp bẩm sinh, điếc, chậm phát triển trí tuệ…

 

Còn khi đã có thai thì tuyệt đối không được tiêm chủng, vì vac-xin rubella là loại văcxin sống chỉ giảm độc lực, thường sản xuất dưới dạng “tam liên” cùng với các vac-xin phòng sởi và quai bị, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.

 

Phát hiện sớm tránh lây lan

 

TS Đính khẳng định, việc phát hiện và phòng tránh bệnh Rubella là rất quan trọng để tránh lây lan ra cộng đồng. Theo đó, khi phát hiện bị bệnh, phải cách ly, tránh tiếp xúc với  người bệnh từ lúc bắt đầu phát bệnh (phát ban) cho đến 7 ngày sau khi phát ban.

 

Khi bị bệnh Rubella có các dấu hiệu: mệt mỏi, uể oải, sốt nhẹ, có khi sốt rất cao kèm theo đau đầu, hắt hơi, chảy dịch mũi. Sau 3 - 4 ngày sốt giảm rồi thấy phát ban ở da.

 

Cần để người bệnh ở trong phòng thoáng khí. Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, cốc uống nước…. để tránh lây lan. Điều trị bệnh rubella hiện nay là điều trị triệu chứng vì không có thuốc đặc trị.

 

Khi bị bệnh cần hết sức lưu ý vệ sinh cá nhân tai mũi họng và răng miệng hằng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh tối đa, sau khi tiếp xúc cần rửa tay sạch bằng xà phòng tiệt trùng.

 

Đối với phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

 

Hãy luôn mang khẩu trang khi ra ngoài. Vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch súc họng. Hạn chế đến những nơi đông người, tiếp xúc với nhiều người, nhất là trong thời điểm có dịch.

 

Hồng Hải