Phòng 4 bệnh thường gặp bằng chế độ ăn khoa học

(Dân trí) - Tim mạch, các bệnh ở mắt, loãng xương và các bệnh tiêu hoá là nhóm bệnh thường gặp khi bước vào tuổi trung niên. Điều may mắn là chế độ ăn khoa học, hợp lý có thể giải quyết vấn đề này.

 

Phòng 4 bệnh thường gặp bằng chế độ ăn khoa học - 1

 

Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường, ít vận động, béo bệu... là những biểu hiện cho thấy nguy cơ phát triển xơ vữa động mạch trong tương lai. Điều chỉnh khẩu phần ăn là một cách ngăn ngừa hiệu quả, trong đó cần giảm bớt mỡ và chất bột, giữ nguyên lượng đạm có trong thịt, trứng, sữa và các loại đậu đỗ. Một số nguồn vitamin giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch là:

- Vitamin C có tác dụng điều hòa sự chuyển hóa chất bột, chất mỡ, tái tạo tế bào, hạn chế phát triển xơ vữa động mạch. Thực phẩm giàu vitamin C là ớt vàng ta, ớt xanh to, rau đay, rau dền, rau ngót, quýt, cam, chanh, bưởi, đu đủ chín, xoài, ổi...

- Vitamin PP bảo vệ thành mao mạch, làm giảm độ thấm, có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm sự lão hóa. Vitamin PP có nhiều trong cam, quýt, chanh, bưởi, chè tươi. Đặc biệt có thể dùng nước sắc hoa hòe, 6 g/ngày.

- Vitamin E hạn chế tiêu hóa chất đạm, bảo vệ mao mạch và tế bào thần kinh, có tác dụng chống xơ hóa và chống oxy hóa. Vitamin E có nhiều trong dầu đỗ tương, hạt đỗ tương, dầu gấc, dầu lạc, đậu Hà Lan tươi sống, giá sống, cà chua chín tươi.

-  Vitamin U có tác dụng bảo vệ thành mạch chống vữa xơ động mạch, làm giảm cholesterol máu. Chất này có nhiều trong bắp cải.

Các bệnh về mắt

Bằng chế độ ăn uống có nhiều hoa quả tươi, rau xanh, các vitamin và khoáng chất đồng thời hạn chế các chất đường, cà phê sẽ giúp cho bạn có đôi mắt sáng và khoẻ mạnh. Các loại vitamin và khoáng chất được coi là “thần dược” của mắt là :

- Vitamin A: Có tác dụng làm sáng mắt, có nhiều trong sữa, bơ, pho mát, dầu gan cá, gan, carot, trứng…

- Vitamin B: Sự thiếu hụt vitamin B2 sẽ dẫn đến hiện tượng mắt đỏ ngầu hay các bệnh ở mắt như đau mắt hột, đục thuỷ tinh thể. Thức ăn có chứa nhiều vitamin B là các loại ngũ cốc, đậu…

- Vitamin C: Giúp ngăn chặn bệnh đục thuỷ tinh thể, bệnh glôcôm. Vitamin C đến từ các nguồn thực phẩm như cam quýt, khoai tây, rau xanh, cà chua.

- Vitamin E: giúp nhãn cầu của bạn trở nên khoẻ mạnh, tránh được bệnh đục thủy tinh thể. Có nhiều trong các loại ngũ cốc, rau xanh.

- Selen: Làm “trẻ hoá” đôi mắt, có nhiều trong cá, hạt hướng dương, ngũ cốc, vừng.

- Kẽm: Có tác dụng làm tăng sự tập trung cao độ cho võng mạc. Chất kẽm có nhiều trong tôm, cua, gan, thịt, trứng, các loại hạt, cá mòi.

Ngoài các loại vitamin và khoáng chất trên, để giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh, chúng ta còn phải uống nhiều nước (khoảng 6 - 8 ly nước/ngày) để giữ độ ẩm cần thiết cho mắt, và ngủ đủ thời gian phù hợp với lứa tuổi, ít nhất là 7 giờ/ngày.

Loãng xương

Cứ hai người phụ nữ lại có một người bị loãng xương sau tuổi 60. Để phòng chống chứng loãng xương, hãy lựa chọn cho mình một chế độ ăn uống cân bằng như:

- Giảm các thực phẩm có tính axit bằng cách không ăn quá nhiều thịt, uống nhiều đồ ngọt hay rượu bia.

- Ăn nhiều các loại cá béo, uống nhiều sữa.

- Bổ sung vitamin D và K để tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Nguồn bổ sung vitamin D là cá béo, lòng đỏ trứng, chất béo của sữa và phơi nắng. Trong đó, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào nhất. Còn vitamin K lại “nằm” nhiều trong các loại rau họ cải (cải bắp, cải xoong…) và ngũ cốc.

Các vấn đề về tiêu hóa

Để phòng tránh các vấn đề thường gặp về tiêu hóa, cần cung cấp nhiều chất xơ (trong rau xanh, hoa quả) và nước (ít nhất 1,5 lít/ngày) cho cơ thể. Trong trường hợp bị đầy bụng hoặc có cảm giác nóng rực ở dạ dày, cần giảm hoặc không ăn các thực phẩm có tính axit như thịt, cá, trứng…; không uống nước ngọt, rượu bia…

Khiết Linh

Theo Topsanté