1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phối hợp tập luyện trên máy thực tế ảo, 83% bệnh nhân đột quỵ não cải thiện

Tú Anh

(Dân trí) - Sau 3 tuần liên tiếp tập luyện mỗi ngày 20-30 phút trên máy thực tế ảo phối hợp với chương trình phục hồi chức năng, hơn 83% bệnh nhân đột quỵ não đã cải thiện chức năng vận động và sức bền chi trên.

Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Trang Linh, Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại hội nghị khoa học "Cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại và chăm sóc người bệnh an toàn", diễn ra trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai (1968 - 2023), ngày 16/11.

Theo BS Linh, đột quỵ là nguyên nhân thứ 3 gây khuyết tật. Khoảng 60% bệnh nhân đột quỵ biểu hiện suy giảm vận động và cần ít nhất một phần hỗ trợ trong các hoạt động thường nhật.

Việc ứng dụng thực tế ảo (tập luyện trên hệ thống máy mô phỏng thực tế ảo) phối hợp với chương trình phục hồi chức năng cho thấy hiệu quả vận động của bệnh nhân đột quỵ não được cải thiện.

Phối hợp tập luyện trên máy thực tế ảo, 83% bệnh nhân đột quỵ não cải thiện - 1

Bệnh nhân vận động theo mô phỏng thực tế ảo tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

BS Linh cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy tập mô phỏng theo thực tế ảo có thể tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau đột quỵ, thúc đẩy các cơ chế tái cấu trúc của não với tính linh hoạt và dễ kích thích của vỏ não.

Tại Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả theo dõi trên 60 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu phối hợp tập luyện trên máy thực tế ảo với chương trình phục hồi chức năng mang lại kết quả khả quan.

"Sau 3 tuần liên tiếp, mỗi tuần 5 ngày với thời gian 20-30 phút tập luyện trên máy thực tế ảo phối hợp với chương trình phục hồi chức năng, hơn 83% bệnh nhân đột quỵ não đã cải thiện chức năng vận động và sức bền chi trên", BS Linh thông tin.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cho biết, các chương trình thực tế ảo, AI ngày càng được ứng dụng nhiều trong điều trị.

Ngay từ ghế nhà trường, các chương trình giáo dục ngày càng được cập nhật của các nước phát triển, giúp đào tạo điều dưỡng viên trở thành nhân viên y tế vừa phối hợp, vừa độc lập với các bác sĩ, ứng dụng nhiều kỹ năng trong chăm sóc người bệnh.

"Trước đây, đào tạo điều dưỡng là làm theo y lệnh bác sĩ. Ngày nay, hội nhập thế giới, cần đào tạo điều dưỡng viên vừa phối hợp thực hiện y lệnh, vừa chủ động trong công việc. Các chương trình hợp tác quốc tế, cập nhật chương trình đào tạo của các nước phát triển đang dần giúp điều dưỡng viên trở nên chủ động, nhiều kỹ năng hơn trong công việc", PGS Cơ thông tin.

Ông Cơ cũng cho biết, các chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế giúp đào tạo lực lượng điều dưỡng không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà cũng đủ kỹ năng để lao động ở thị trường nước ngoài, các nước tiên tiến trên thế giới.