Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Đã đến lúc cần cân bằng lại 2 "chân" của ngành y
(Dân trí) - Tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các cựu lãnh đạo ngành y tâm huyết nhất và thông báo bước đầu về kế hoạch thúc đẩy y tế cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn, song hành cùng thành tựu của y tế chuyên sâu.
Tại buổi gặp mặt sáng ngày 23/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời chúc mừng tới các lãnh đạo và cực lãnh đạo ngành y tế nhân 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu.
Nhiều tiến bộ đáng tự hào
Phát biểu trước Phó thủ tướng, GS. TS Nguyễn Vượng khẳng định ngành y đã có những bước tiến vượt bậc, thể hiện qua tuổi thọ từ 54 tuổi (cách đây 60 năm) nay đã lên tới 73. GS.TS Nguyễn Vượng cho rằng: Đây là minh chứng ấn tượng nhất cho những thành tựu của ngành y tế.
Còn theo GS Nguyễn Khánh Trạch, y tế trong những năm qua đã có những tiến bộ vượt bậc với hàng trăm ngàn kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, giúp người dân được hưởng những thành tựu của thế giới. GS Trạch cũng đánh giá cao việc “chấm điểm” chất lượng bệnh viện triển khai từ cuối năm 2016 đến nay.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng thành công của tập thể Học viện Quân y 103
Về thành công của ca ghép phổi người lớn cho bệnh nhi 7 tuổi, GS Đỗ Quyết đã báo cáo Phó Thủ tướng về quá trình thực hiện bền bỉ với quyết tâm cao để có được kết quả như hôm nay, đồng thời cập nhật những diễn biến tích cực sức khỏe của bệnh nhi và 2 người cho phổi.
Lắng nghe các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận: “Ngành y tế trong những năm qua đã liên tục tiến bộ”. Phó thủ tướng cũng đánh giá cao thành công của ca ghép phổi mà các bác sĩ BV Quân Y 103/Học viện Quân Y vừa thực hiện.
... nhưng cũng nhiều sự tụt lùi
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào về sự phát triển của ngành y tế nước nhà, các cựu lãnh đạo cũng bày tỏ những trăn trở, suy tư trước những tụt lùi của ngành y.
GS Trạch nhấn mạnh đến chất lượng khám chữa bệnh. “Bề nổi của thành tựu là người dân đi khám chữa bệnh rất nhiều. Nhưng chỉ có những người ở trong ngành y tế mới thấy được chất lượng khám chữa bệnh như thế nào. Mỗi nơi đưa ra 1 chẩn đoán, 1 phương án điều trị, không ai tư vấn khiến người dân hoang mang”, GS Trạch nói.
GS Trạch khẳng định: “Đã đến lúc ngành y tế nên đi sâu vào chất lượng, quản lý chất lượng. Để y tế phát triển tốt, người dân tin tưởng thì việc đầu tiên là vấn đề chất lượng. Sau vấn đề chất lượng là kinh phí, sau kinh phí mới đến nụ cười. Nụ cười ko phải là cái quyết định, chỉ làm bệnh nhân dịu đi - chỉ là cái nhất thời”.
GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch hội Nội khoa Việt Nam, Phó chủ tịch hội Tiêu hóa Việt Nam
Vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, GS Trạch khẳng định việc chỉ cấp 1 lần, cấp cho đối tượng bác sĩ do nhà nước đào tạo là chưa đúng. GS Trạch cũng bày tỏ sự thất vọng về quyết định thông qua việc chỉ cấp chứng chỉ 1 lần này của Quốc hội. GS Trạch cho rằng chưa thật phù hợp với cách thế giới đang làm và tin tưởng rằng nhất định phải làm được bởi đây là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế.
Về các khẩu hiệu ngành y, GS.TS Nguyễn Vượng, giảng viên ĐH Y, Chủ tịch hội Giải phẫu bệnh học, bày tỏ sự không đồng tình với khẩu hiệu “Hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và cho rằng nên sử dụng những câu đơn giản, có sức lay động lòng người đã từng được ngành y sử dụng trước đây.
Y tế chưa hướng tới số đông
GS.TS Lê Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam, thẳng thắn bày tỏ: Từ thời cố bộ trưởng Đỗ Nguyễn Phương (1995-2002) đã nhấn mạnh ngành y phải là 1 chân y tế chuyên sâu, 1 chân y tế cơ sở - y tế dự phòng. Hiện “chân” y tế chuyên sâu đã sánh vai thế giới nhưng “chân” cơ sở lại đang bị teo dần, khiến người dân phải lên tuyến trên, gây quá tải.
Đồng tình với quan điểm này, GS. TS Nguyễn Khánh Trạch - Chủ thịch Hội Nội khoa Việt nam, cho rằng: “Chúng ta chỉ phát triển y tế chuyên sâu chứ chưa phát triển y tế cộng đồng.
Thời GS. Phạm Ngọc Thạch (1945-1968), y tế cộng đồng rất phát triển nhưng hiện nay, y tế cộng đồng lại thụt lùi đi xuống. Y tế chuyên sâu chỉ giúp được cho 1 số người chứ không cho số đông và như thế, chúng ta lầm tưởng, chúng ta giỏi nhất thế giới”.
Còn GS.TS. Viện Sĩ Trần Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Răng hàm mặt Trung ương, dẫn chứng: Ngành răng hàm mặt đã từng tổ chức điều trị tới tận tuyến cơ sở (tuyến xã) từ thời Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (1997-2011). Vậy mà nay bác sĩ răng hàm mặt tuyến xã gần như không còn nữa.
Do đó, khi được Phó Thủ tướng chia sẻ về chủ trương lập hồ sơ sức khỏe toàn dân, các chuyên gia đầu ngành đều bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ chủ trương đúng đắn này bởi như PGS.TS. Công Quyết Thắng, Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Hữu nghị 1 nói: “Bỏ 1 đồng dự phòng sẽ tiết kiệm được 4 đồng điều trị”,
Chia sẻ với Phó thủ tướng về chủ chương này, Chủ tịch tổng hội Y dược Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu: “Lúc đầu Bộ Y tế thấy rất khó nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng, đến nay đã lên được kế hoạch, nội dung, mục tiêu, nguồn lực và kinh phí”.
Còn GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y 103 đóng góp giải pháp rất cụ thể. Đó là chương trình nên “Hướng tới cơ sở”, tập trung vào những vùng khó khăn, hộ nghèo. Và nếu kết hợp quân dân y sẽ có rất nhiều thuận lợi cho cả phía Bộ Y tế và phía quân đội.
GS. Đỗ Quyết cũng đề xuất nên phổ cập y sĩ (nhân viên y tế có thể kê đơn, chẩn đoán 1 số bệnh) thay vì bác sĩ gia đình. Bởi đây là đội ngũ phù hợp với nhu cầu y tế tuyến cơ sở nhất.
Tiếp nhận những ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng cho biết: Ngành y có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và lúc này, cần phải thúc đẩy y tế cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn, song hành cùng y tế chuyên sâu.
Kết hoạch "Thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân" (hay nói cách khác là người dân sẽ được khám sức khỏe và quản lý hồ sơ sức khỏe) sẽ làm trong 10 năm, 20 năm và mãi mãi. Có những hạng mục cần làm ngay, rất nhanh, có những hạng mục sẽ làm từ từ.
"Kế hoạch này là hoàn toàn khả thi bởi đất nước ta đã có 1 hệ thống mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp với trang thiết bị y tế cơ sở đã được đầu tư khá đồng bộ; cùng với đó là phương án tài chính chi tiết đã có (bước đầu sử dụng nguồn tiền từ Bảo hiểm y tế) và sự chuẩn bị về nhân lực cũng đã sẵn sàng (hiện y tế tuyến xã đã thuộc về tuyến huyện nên có thể điều chuyển nhân lực.
Hơn thế, Kế hoạch này không chỉ tốt cho người dân, vốn chỉ đến khi bệnh nặng mới đến viện, mà còn thúc đẩy ngành y tế dự phòng.
Theo tôi, cố gắng trong 5 năm, toàn bộ 90 triệu dân có hồ sơ sức khỏe được kết nối".
Trần Phương
Ảnh: P.T