Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM "tâm tư" với kết luận của Thanh tra Chính phủ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, có loại máy trước dịch giá trúng thầu hơn 4 tỷ đồng, đến khi diễn ra dịch mua chỉ 2,8 tỷ đồng nhưng vẫn bị Thanh tra Chính phủ kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tại buổi giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, diễn ra ngày 30/12, nhiều ý kiến về những bất cập trong vấn đề pháp lý đã được các đại biểu tham dự đưa ra.

Nỗi lo bị quy kết sử dụng lãng phí tài sản công

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh bày tỏ băn khoăn về kết luận của Thanh tra Chính phủ trong mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch, khi nhiều trường hợp bị kết luận sai phạm về giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá vốn nhập khẩu. Theo vị này, các đơn vị khi tham gia đấu thầu mua sắm không thể biết giá nhập khẩu. Do đó, nếu tính giá trị thiệt hại theo chênh lệch thì có phần không thỏa đáng, cần có sự lý giải thêm.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, rất nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ trang thiết bị y tế, máy móc giá trị lớn, rất quý và cần thiết cho các bệnh viện. Tuy nhiên sau giai đoạn này, nhiều cơ sở gặp khó khăn về quy định thủ tục nhập tài sản công, bởi thiết bị y tế nhận vào không có hợp đồng mua bán.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tâm tư với kết luận của Thanh tra Chính phủ - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: VE).

Kế tiếp, việc phun khử khuẩn trong thời gian chống dịch sử dụng đã phá hủy các thiết bị y tế rất nhiều. Như nhiều xe cấp cứu trước đó mua rất mới, nhưng chỉ sau mùa dịch đã bị gỉ sét nặng. Bác sĩ Thức đề nghị cần được nhìn nhận tình trạng này rõ ràng, để tránh các bệnh viện bị quy kết sử dụng lãng phí tài sản công.

Ngoài ra theo bác sĩ Thức, vẫn còn một số lượng lớn nhân viên y tế chưa nhận đủ kinh phí hỗ trợ chống dịch. Đại biểu kiến nghị TPHCM có thể chi xong trước Tết Nguyên đán 2023, để anh em yên tâm công tác.

Vấn đề tồn đọng đáng chú ý khác là bất cập khi thanh quyết toán kinh phí dùng cho chống dịch, vì các bệnh viện không bổ sung đủ chứng từ, giấy tờ theo quy định pháp lý. "Trong tình hình cấp bách chống dịch, không bao giờ có thể làm đủ 100% thủ tục, do đó việc kiểm tra, kiểm toán sau này sẽ gặp những khó khăn" - bác sĩ Thức âu lo.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, dịch Covid-19 như một phép thử để thấy các yếu kém của hệ thống y tế. Bà thẳng thắn đề nghị, cần xác định cái gốc của vấn đề, những căn cứ, cơ sở pháp lý mua sắm trang thiết bị y tế như thế nào, vì trong tương lai sẽ còn những dịch bệnh khó khăn hơn. Có những vấn đề cần rút kinh nghiệm, cần có các dự báo, cảnh báo để nhân viên y tế không bơ vơ.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tâm tư với kết luận của Thanh tra Chính phủ - 2

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, việc mua sắm thuốc phục vụ người bệnh không thể áp quan điểm "giá rẻ" (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chúng ta chống những cái gì thật sự tiêu cực, còn nếu vì hoàn cảnh bắt buộc phải cứu bệnh nhân thì phải nhìn nhận, phải xem xét lại những cơ sở pháp lý, vì dịch bệnh sẽ không tha chúng ta đâu" - bà Lan cảnh báo.

Đúng quy trình hết vẫn "có dấu hiệu vi phạm"

Trả lời thắc mắc của đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, trong thời điểm dịch bệnh, ngành y tế rất đắn đo khi mua sắm. Giá mua sắm trang thiết bị mà Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc mua là rẻ nhất trong thời điểm trước, trong và sau dịch.

Vừa qua tại buổi công bố kết luận của Thanh tra Chính Phủ, phía thanh tra nói rất rõ quan điểm đối với giá, rằng sẽ không quy trách nhiệm về cho chủ đầu tư, mà quy về đơn vị cung ứng.

Theo ông Nam, hiện nay với công tác mua sắm trang thiết bị, các giám đốc bệnh viện đều rất tâm tư. Bởi vì họ đã làm theo quy trình đúng hết, nhưng đến khi ra Thanh tra vẫn nói có dấu hiệu vi phạm về giá.

Ông ví dụ, một loại máy trước dịch có giá trúng thầu ở hầu hết các nơi là hơn 4 tỷ đồng. Đến khi diễn ra dịch, cũng loại máy đó với cùng hiệu và cấu hình, cả ngành y tế mua chỉ với giá 2,8 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều nhưng vẫn bị kết luận có dấu hiệu vi phạm. Ông đề nghị, phía báo chí có thể nghiên cứu phản ánh thêm vấn đề này, đây là tâm tư của tất cả anh em trong ngành y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tâm tư với kết luận của Thanh tra Chính phủ - 3

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: XM).

Ông Nam cũng chia sẻ, một đơn vị chủ đầu tư y tế không thể biết giá được nhập khẩu, và chưa có quy định nào yêu cầu cung cấp giá tờ khai hải quan. Thực tế cũng có những đơn vị nhập khẩu nhưng ủy quyền cho một đơn vị khác phân phối, và chính đơn vị này tham gia đấu thầu. Mọi thứ đúng quy trình hết, nhưng đến khi thanh kiểm tra, lại so sánh giá tờ khai hải quan với giá ở nơi trúng thầu.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, việc mua sắm thuốc phục vụ người bệnh không thể áp quan điểm "giá rẻ", mà phải là giá phù hợp. Sở Y tế TPHCM đang góp ý để sửa đổi Thông tư 15, Nghị định 98 cho phù hợp, để các đơn vị được mua sắm tốt nhất.

Kết luận buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thừa nhận, nếu không có sự thay đổi về mặt chính sách vĩ mô nói chung, thì nguồn lực tại các trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng sẽ gặp khó khăn, không thể giữ chân được nhân sự. Các giải pháp hiện nay mà Sở Y tế TPHCM tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện chỉ giải quyết tạm thời chứ không phải giải pháp căn cơ.

Bà Tuyết đề nghị ngành y tế quan tâm, đánh giá lại và có ý kiến về Nghị quyết 30 của Chính phủ; kiến nghị Sở Y tế, Sở Tài chính tập trung hướng dẫn các đơn vị việc thanh quyết toán chống dịch, kinh phí tạm ứng còn nợ, chi chính sách hỗ trợ phụ cấp chống dịch càng sớm càng tốt.

Bà Tuyết cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa luật Giá, luật Đấu thầu. Riêng về luật Khám, chữa bệnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mong Sở Y tế đóng góp ý kiến, chỉnh sửa dự thảo luật sao cho phù hợp nhất trước khi báo cáo đến Chính phủ và Quốc hội.