Phê bình y, bác sỹ trong vụ việc tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh

(Dân trí) - Liên quan đến cái chết của chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi, trú tại Hòn Nen, xã Mã Thành, Yên Thành), kết luận của GĐ Sở Y tế Nghệ An đối với giám đốc, tập thể khoa Nhi là phê bình.

Phê bình y, bác sỹ trong vụ việc tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh
Kết luận của Sở Y tế Nghệ An về cái chết của chị Ngọc.
Sau khi xem xét kết luận của hội đồng khoa học bệnh viện, Sở Y tế Nghệ An đã có công văn số: 494/SYT-NVY ngày 30/3/2012, về việc chỉ đạo xử lý trường hợp tử vong tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành. Trong công văn ghi rõ: Đây là một trường hợp tử vong do tai biến nghề nghiệp đáng tiếc. Bệnh viện cũng đã cấp cứu kịp thời, tận tình, nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng nên đã tử vong. Tuy nhiên, Bệnh viện sai sót trong thực hiện quy chế chuyên môn (Bệnh nhân điều trị trong Bệnh viện mà không có hồ sơ bệnh án).
Qua quá trình điều tra, tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đã thống nhất ý kiến phê bình Giám đốc và tập thể khoa Nhi - cấp cứu Bệnh viện đa khoa Yên Thành. Đồng thời, giao cho Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Thành tổ chức học tập lại cho toàn thể cán bộ, y - bác sỹ về quy chế Bệnh viện do Bộ y tế ban hành. Đặc biệt về quy chế điều trị bệnh nhân nội trú, bệnh nhân điều trị ngoại trú và quy chế kê đơn ngoại trú. Bệnh viện tổ chức họp kiểm thảo tử vong và rút kinh nghiệm cho toàn thể các khoa phòng trong toàn Bệnh viện.
Được biết, sau cái chết của chị Ngọc các ban ngành liên quan tỉnh Nghệ An đã đến thăm hỏi động viên và gia đình chị Ngọc cũng đã có đơn gửi Sở Y tế khẳng định không kiện cáo về cái chết của người thân mình.
Phê bình y, bác sỹ trong vụ việc tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh
Sau cái chết, chị Ngọc để lại cho người chồng 4 đứa con nhỏ.

Như báo điện tử Dân trí đã phản ánh, vào ngày 7/3/2012, trong quá trình chăm hai con nhỏ bị bệnh viêm phổi tại khoa Nhi - BVĐK huyện Yên Thành, chị Trần Thị Ngọc bị bệnh đau đầu, khó thở, ho... và nhờ bác sỹ khám và kê đơn thuốc uống điều trị.

Sau 2 ngày điều trị bằng thuốc uống không đỡ, người nhà bệnh nhân đã phải nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ. Trong đơn thuốc điều trị cho bệnh nhân Ngọc có thuốc thuốc ZEFPOCIN Cefotaxime. Sau khi sử dụng thuốc tiêm ngày thứ nhất, bệnh nhân không có biểu hiện gì về dị ứng thuốc.

Đến ngày thứ 2, chị Ngọc tiếp tục được tiêm thuốc huốc ZEFPOCIN Cefotaxime nhưng bị sốc phản vệ dẫn tới tử vong. Điều đáng nói ở đây là: mặc dù bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc được điều trị nhiều ngày liền trong bệnh viện nhưng khi bị tử vong không có bất kỳ hồ sơ nhập viện hay hồ sơ bệnh án nào. Bệnh nhân khám bệnh ngay tại bệnh viện nhưng bác sỹ khám không đưa vào đối tượng nội trú hay ngoại trú để có hồ sơ theo dõi.

Sau khi sự việc xảy ra, báo chí vào cuộc phanh phui về phía bệnh viện cũng đã nhận sai sót... Và Sở Y tế Nghệ An vào cuộc có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: Trần Thị Ngọc là do sốc thuốc phản vệ, thuốc Zefpocin(Cefotoxim) lô: 411005, SX/Mfg.date: 101111; HD/Exp.date:091114; do công ty dược phẩm Trung ương I sản xuất, công ty dược Yên Thành nhập về ngày 3/3/2012.

Nguyễn Duy