Phẫu trị có làm tế bào ung thư tràn lan như nhiều người lo sợ?

Vân Sơn

(Dân trí) - Nhiều người bệnh ung thư đang sợ bị "đụng dao kéo" vì lo sợ nguy cơ khối u bùng phát di căn nhanh hơn. Thực hư của nỗi sợ này ra sao đã được chuyên gia điều trị ung thư giải đáp cụ thể.

Định kiến sai lầm của cộng đồng

Đã mãn kinh thời gian dài nhưng đầu năm 2020, bà N.T.V. (65 tuổi, ngụ tại Bình Dương) bất ngờ bị xuất huyết âm đạo kèm theo tình trạng đau bụng, đau lưng. Sau hơn 1 tháng cố chịu đau, bà mới đến bệnh viện kiểm tra. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, người bệnh bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn.

Phẫu trị có làm tế bào ung thư tràn lan như nhiều người lo sợ? - 1
Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khi đã trong tình trạng ung thư giai đoạn muộn

Các bác sĩ tư vấn và khuyến cáo người bệnh nên thực hiện phẫu thuật cắt khối ung thư để ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn đồng thời thực hiện phương pháp hóa trị, xạ trị theo phác đồ. Tuy nhiên, bà T.V. không đồng ý với chỉ định của bác sĩ vì sợ việc phẫu thuật sẽ khiến ung thư bùng phát nhanh hơn, điều trị không hiệu quả mà còn rất tốn kém về các khoản chi phí. Bà T.V. đã xuất viện về nhà điều trị theo các phương pháp đông y.

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.M.B. (58 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) đến bệnh viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, sụt cân, ho ra đờm nhớt lẫn máu… Bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám và xác định tiền căn hút thuốc gần 30 năm của người bệnh đã khiến ông bị ung thư phổi bên phải.

Các bác sĩ đã hội chẩn và nhận định, tình trạng của người bệnh còn ở giai đoạn sớm có thể phẫu trị và điều trị mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, khi nghe bác sĩ tư vấn sẽ phải cắt toàn bộ thùy phổi bên phải để điều trị triệt căn tế bào ung thư ngăn chặn nguy cơ xâm lấn thì bệnh nhân và người nhà đã từ chối vì cho rằng, việc can thiệp có thể khiến ông tử vong sớm hơn vì mất đi một lá phổi và nguy cơ ung thư di căn sau phẫu thuật khó kiểm soát. Hơn 3 tháng sau khi xuất viện, bệnh nhân trở lại thăm khám, lúc này tế bào ung thư đã xâm lấn sang phổi trái và di căn nhiều cơ quan nội tạng.

Phẫu trị có làm tế bào ung thư tràn lan như nhiều người lo sợ? - 2
Phẫu thuật là giải pháp quan trọng trong điều trị ung thư nhưng cộng đồng đang có những định kiến sai lầm

Các bác sĩ cho biết những cách hiểu không đúng của người bệnh còn hạn chế về kiến thức khoa học thậm chí là cả những người có hiểu biết đang đẩy bệnh nhân ung thư vào nguy hiểm. Định kiến, ung thư không nên đụng dao kéo, mắc bệnh ung thư là mang bản án tử hình, nếu có điều trị thì cũng chỉ có thể vớt vát, sống không bằng chết thêm vài năm vì đau đớn. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị.

Phẫu thuật quyết định việc cứu chữa cho người bệnh ung thư

Liên quan đến vấn đề trên, BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TPHCM cho biết: "Đúng là có một số rất ít bệnh nhân sau mổ, bệnh ung thư có hiện tượng bùng phát, lan tràn nhanh chóng. Tuy nhiên, đây hầu hết là những trường hợp ở giai đoạn nặng, bệnh nhân suy kiệt, trong tình huống không thể không mổ. Những trường hợp bất khả kháng như bệnh nhân bị tắc ruột do khối u, cuộc mổ có thể làm cơ thể kiệt sức, hệ miễn dịch bị suy yếu khiến tế bào ung thư có cơ hội hoành hành, đây là điều không may khi bệnh đã trở nặng từ lâu".

Phẫu trị có làm tế bào ung thư tràn lan như nhiều người lo sợ? - 3
Ung thư không phải án tử, cộng đồng cần chủ động khám tầm soát, nhập viện sớm, tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Ông chia sẻ: "Gần đây, có một số bài nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng thoáng qua các tế bào ung thư trong và sau khi mổ, có thể trong quá trình phẫu thuật khi đụng chạm trực tiếp vào khối u làm phóng thích các tế bào bướu vào máu tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào xác định việc gia tăng này làm bệnh nhân nặng hơn".

Thực tế vẫn có một số ít bệnh nhân sau mổ được bác sĩ cho biết bệnh nặng hơn dự đoán do hiện nay các phương tiện chẩn đoán như CT-Scan, MRI… không phải lúc nào cũng phát hiện được hết các tổn thương, nhất là các tổn thương nhỏ, rải rác. Vì vậy, khi mổ bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải là tại mổ làm bệnh nặng hơn mà là các khối u đã có từ trước nhưng không được phát hiện.

Theo BS Triệu Vũ, mổ (phẫu thuật) là phương pháp điều trị bệnh ung thư đã được áp dụng lâu đời, từ xa xưa người ta đã biết dùng dao để cắt bỏ hoặc dùng lửa để triệt tiêu các khối u nhọt. Phẫu thuật có thể trị hết các loại ung thư như: da, vú, ruột già, tuyến giáp… Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo sợ việc "đụng dao kéo" có thể làm cho khối u bùng phát và lan tràn (di căn) nhanh hơn.

Phẫu trị có làm tế bào ung thư tràn lan như nhiều người lo sợ? - 4
Những tiến bộ của y học đang giúp người bệnh ung thư giai đoạn sớm vượt qua nguy hiểm có cuộc sống bình thường

Một vài bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đớn nhiều hơn sau phẫu thuật, nhất là các cuộc mổ lớn. Điều này do cuộc mổ lớn thường kéo dài dưới ảnh hưởng của phẫu thuật (cắt bỏ các cơ quan), mất máu, thuốc mê… làm cho cơ thể người bệnh chậm hồi phục. Hiện nay, nhờ vào các tiến bộ trong kỹ thuật mổ, gây mê, hồi sức, phối hợp nhiều chuyên khoa đã giúp hạn chế tối đa các biến chứng do phẫu thuật gây ra.

BS Triệu Vũ khẳng định: "Phẫu thuật vẫn đã và đang đóng vai trò chính trong điều trị bệnh ung thư, nhờ vào phẫu thuật nhiều loại ung thư có thể được chữa khỏi. Bên cạnh đó những tiến bộ trong chẩn đoán đã giúp phần lớn các trường hợp bệnh nhân ung thư được đánh giá chính xác về mức độ lan tràn của bệnh. Giải pháp phối hợp điều trị ung thư đa mô thức, chú trọng phối hợp các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch… theo một trình tự khoa học, vừa kiểm soát tại chỗ vừa khống chế di căn xa, giảm tối đa các biến chứng và tăng hiệu quả cứu chữa cho người bệnh".