1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phẫu thuật thành công 2 ca teo thực quản bẩm sinh

(Dân trí) - Ê kíp phẫu thuật, gây mê và hồi sức chuyên sâu sơ sinh vừa phẫu thuật thành công hai trường hợp teo thực quản bẩm sinh típ A ở trẻ sơ sinh, được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1 trước Tết âm lịch 2009.

Trường hợp đầu tiên là con sản phụ L.T.N., sinh thường ngày 16/01/2009 tại Bệnh viện Phụ Sản Bình Dương. Tuy nhiên, cháu bé sinh non ở tuần 35, cân nặng 2,1kg và sau sinh có biểu hiện chảy nước bọt và đặt ống thông không vào được dạ dày. Sau đó 2 ngày, cháu bé được chuyển đến BV NĐ1. Ngoài teo thực quản, các bác sĩ còn phát hiện cháu bị nhiễm trùng sơ sinh, vàng da và bệnh tim bẩm sinh.

 

Sau một thời gian hồi sức và điều trị các bệnh lý đi kèm, cháu đã được phẫu thuật vào ngày 23/01/2009. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách túi cùng trên, di chuyển dạ dày, mở rộng môn vị, cắt và nối 2 đầu thực quản vào dạ dày.

 

Trường hợp thứ hai là con của sản phụ T.T.T, nhà ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Cháu bé sinh mổ tại BV Từ Dũ. Sau sinh, cháu có dấu hiệu sùi bọt cua, suy hô hấp nên được chuyển đến BV NĐ1 với chẩn đoán là teo thực quản bẩm sinh. Cháu bé này, cũng được phẫu thuật di chuyển dạ dày và nối lại thực quản.

 

Hiện tình trạng sức khỏe của 2 cháu đã cải thiện tốt, không còn thở máy (oxy) nữa, đã uống được sữa qua ống thông dạ dày, cân nặng cả 2 cháu đều tăng thêm 0,5kg và đang được tiếp tục điều trị tại khoa Sơ sinh.

 

Qua trao đổi, ThS. BS Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh BV NĐ1, cho biết: “2 cháu bé này sẽ tiếp tục được điều trị trong khoảng 3 tuần nữa. Nếu các cháu vẫn tiếp tục phát triển về cân nặng, cũng như việc bú sữa tiếp tục bình thường thì sẽ được xuất viện”.

 

Còn ThS. BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám Đốc BV NĐ1, giải thích:  “Do đoạn thực quản bị teo trong typ A dài hơn so với các typ khác nên những trường hợp này trước đây phải mổ hai lần. Lần đầu, phẫu thuật để mở dạ dày (mở một đường từ dạ dày ra thành bụng) để nuôi ăn và đợi 3 - 5 tháng sau mới phẫu thuật lần 2 để nối hai đầu thực quản. Tuy nhiên, phương pháp này có tỷ lệ thất bại cao do bệnh nhi thường tử vong trong thời gian chờ đợi phẫu thuật lần 2 do nhiễm trùng hoặc viêm phổi hít.

 

Với phương pháp di chuyển và nối dạ dày vào đầu trên thực quản, sẽ chỉ cần một lần phẫu thuật nên rất hiệu quả và cứu sống được nhiều bệnh nhi”.

 

Hiện Khoa Sơ sinh chuyên sâu tại BV NĐ1 có khoảng 120 giường, chăm sóc cho các trẻ sơ sinh có tật bệnh thuộc TPHCM cùng 32 tỉnh thành phía Nam. Dù vậy, khoa cũng đã bị quá tải nhiều lần với khoảng trên 200 bệnh nhi  sơ sinh trong những năm qua.

 

Ngọc Thanh