1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phẫu thuật miễn phí hở môi, vòm miệng suốt 365 ngày

(Dân trí) - Đến viện Răng Hàm Mặt trung ương (Hà Nội) vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, mọi trường hợp, bất kể tuổi tác, đều sẽ được phẫu thuật miễn phí hở môi và hở vòm miệng.


GS.TS Trịnh Đình Hải (bên phải) - Giám đốc bệnh viện và PGS.TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phục hình Hàm Mặt

GS.TS Trịnh Đình Hải (bên phải) - Giám đốc bệnh viện và PGS.TS Lê Ngọc Tuyến, Trưởng khoa Phục hình Hàm Mặt

GS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết: Mỗi năm nước ta có 2.000 - 3.000 trẻ hở môi vòm miệng chào đời và đa phần đều là ở những gia đình rất nghèo.

Do đó, từ những năm 1987-1988 đến nay, phẫu thuật hở môi và hở vòm tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đều miễn phí, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Chỉ tính riêng 2016, Bệnh viện thực hiện 500 ca mổ hở môi, hở vòm miệng, tất cả đều được miễn phí 100%.

Theo đó, bệnh nhân chỉ cần đến Bộ phận tiếp đón tại bệnh viện là được chuyển lên Khoa Phục hình răng hàm mặt, bất kỳ đó là thời điểm nào.

Cụ thể, chiều nay (10/4), bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ sẽ thực hiện phẫu thuật mổ hở môi cho bệnh nhi 7 tháng tuổi từ Sơn La xuống. Gia đình biết thông tin qua một gia đình đã từng đưa con lên thực hiện ca phẫu thuật tương tự.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thúy Hạnh, khoa Phục hồi Hàm Mặt cho biết, bệnh nhi Đ.T.N.Q (7 tháng tuổi) đã vào viện khám từ cuối tháng 3/2017. Tuy nhiên, do bé bị sốt nên đã được hẹn lùi lịch phẫu thuật lại 10 ngày.

Chiều qua (ngày 9/4) trẻ đã quay lại viện và dự kiến ca mổ chiều nay sẽ diễn ra trong khoảng nửa tiếng. Toàn bộ chi phí xét nghiệm, phẫu thuật, truyền máu, thuốc điều trị và giường bệnh đều được miễn phí.

Theo Điều dưỡng trưởng Thúy Hạnh, tình trạng ốm sốt, viêm phổi rất thường gặp ở trẻ hở môi, vòm miệng. Đó là lý do trong những đợt mổ tập trung theo đợt, có tới 50% trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật.

Độ tuổi tốt nhất thực hiện phẫu thuật hở môi, vòm miệng?

Mặc dù bệnh viện phẫu thuật cho mọi trường hợp dị tật hở môi, vòm miệng ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng theo BS Nguyễn Hoàng Oanh, khoa Phục hình hàm mặt, độ tuổi thích hợp nhất để thực hiện phẫu thuật hở môi là khi trẻ được 4-6 tháng tuổi (trọng lượng trẻ đạt khoảng 6 kg) và phẫu thuật hở vòm khi được 12-18 tháng tuổi (trọng lượng trẻ đạt khoảng 10 kg).

Bé N.Q (7 tháng tuổi) khi nhập viện nặng 7 kg
Bé N.Q (7 tháng tuổi) khi nhập viện nặng 7 kg

Trước đó, nếu trẻ được đeo hàm mềm (để chỗ hở không mở rộng thêm ra) thì việc phẫu thuật sẽ càng thuận lợi.

BS Hoàng Oanh khẳng định: "Phẫu thuật đúng phương pháp và đúng thời điểm sẽ góp phần quyết định cho quá trình tập nói và diện mạo của trẻ sau này".

BS Hoàng Oanh dẫn chứng, có bệnh nhi đến tuổi đi học lớp 1 mới được phẫu thuật dị tật hở vòm miệng do không được phát hiện sớm (không hở môi). Khi đó, dù được phẫu thuật, nhưng quá trình học nói sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi gia đình phải rất kiên trì.

Trong khi 1 trường hợp khác là bé Bông lại may mắn hơn nhiều. Nhờ được bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ tư vấn, thực hiện xét nghiệm gen ngay từ khi nằm trong bụng mẹ lúc 7 tháng tuổi (không có dị tật nào khác) nên sau khi chào đời, lập tức bé được mang hàm mềm, hướng dẫn về ăn uống, và tiếp tục được phẫu thuật hở môi, hở vòm theo đúng lịch trình. Hiện bé (3 tuổi) đang được tập ngữ âm. Mọi việc tiến triển rất thuận lợi.

Xin đừng bỏ thai nhi hở môi, vòm miệng!

Đó là thông điệp mà các tổ chức y tế trên khắp thế giới đã cùng thống nhất vào năm 2013.

Trên thực tế, tại Việt Nam trước đó, đã có những thời điểm tình trạng bỏ thai do phát hiện dị tật hở môi, vòm miệng tăng đến mức báo động, buộc bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) phải ra quyết định không nhận bỏ những thai có dị tật này từ những năm 2010.


BS Oanh cho biết hiện bình sữa đặc biệt dành cho trẻ dị tật hở môi, vòm miệng nếu được tài trợ miễn phí thì sẽ rất tốt cho quá trình điều trị của các bệnh nhi nghèo

BS Oanh cho biết hiện bình sữa đặc biệt dành cho trẻ dị tật hở môi, vòm miệng nếu được tài trợ miễn phí thì sẽ rất tốt cho quá trình điều trị của các bệnh nhi nghèo

BS Nguyễn Hoàng Oanh khẳng định, nếu không có khiếm khuyết gen thì dị tật hở môi, vòm miệng có thể điều trị khỏi và đứa trẻ sẽ hoàn toàn trở về cuộc sống bình thường.

Vấn đề là trước đây, việc điều trị cho trẻ có dị tật này mới chỉ tập trung vào phẫu thuật trong khi 79% trẻ hở môi, vòm miệng chậm phát triển ngôn ngữ; 100% trẻ cần được thẩm mỹ ghép xương hàm, làm răng giả sau khi đã hoàn tất việc thay răng vĩnh viễn và một số ít trẻ cần được chỉnh hàm khi 18 tuổi để trả lại gương mặt bình thường (vốn bị lõm vào – hay còn gọi là mặt gãy - do dị tật).

Theo đó, mổ hở môi, hở vòm chỉ là mở đầu cho hành trình để một đứa trẻ dị tật hòa nhập cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

BS Oanh dẫn chứng những thạc sĩ, kỹ sư có năng lực, chuyên môn nhưng không dám yêu và thất bại khi thi tuyển vào những vị trí công việc cần giao tiếp. Bởi dù diện mạo đã trở lại bình thường nhưng họ luôn mặc cảm vì bị cười chê giọng nói (nói ngọng, nói âm mũi quá nhiều).

Do đó, thay đổi nhận thức cộng đồng và điều trị đúng hướng là cách tốt nhất để họ có cơ hội hòa nhập xã hội.

Bài và ảnh: Trần Phương

(Mail: tranthuphuong@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm