Phát triển công nghệ chẩn đoán ung thư vú không cần sinh thiết

(Dân trí) - Phương pháp mới này đang hướng đến mục tiêu đạt độ nhạy 95%, độ đặc hiệu 90% và sẽ dần thay thế được sinh thiết, trong chẩn đoán ung thư vú.

Theo Bộ Y tế, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Thống kê của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018 chỉ ra rằng, mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%). Ung thư vú được xếp ở vị trí thứ hai trong những loại ung thư gây chết người nhiều nhất ở phụ nữ (sau ung thư phổi). Hiện nay, người ta ghi nhận tỷ lệ phát triển ung thư vú khoảng 12% trong suốt cuộc sống của người phụ nữ.

Phát triển công nghệ chẩn đoán ung thư vú không cần sinh thiết - 1

Sự kết hợp giữa công nghệ sóng siêu âm và công nghệ quang

Chẩn đoán sớm là một yếu tố cốt lõi quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư vú. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh. Từ giai đoạn 1 chuyển sang giai đoạn 2, bệnh có thể chữa ổn định tới hơn 90%, đến giai đoạn 3, tỷ lệ này là 60%. Thế nhưng, đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Vì vậy, đối với căn bệnh này điều quan trọng là phải có các công cụ chẩn đoán có độ nhạy cao, để phát hiện sớm và độ đặc hiệu cao để tránh kết quả dương tính giả. Đây chính là những mục tiêu mà một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ có tên SOLUS đang hướng đến.

Phát triển công nghệ chẩn đoán ung thư vú không cần sinh thiết - 2

Các nhà khoa học tham gia dự án SOLUS đã phát triển một hệ thống chụp quét không xâm lấn, đa phương thức, sử dụng công nghệ siêu âm và ánh sáng có thể dễ dàng phân biệt các tổn thương lành tính và ác tính, mà không cần phải thực hiện sinh thiết.

Công nghệ mới này có nhiều nét tương đồng với quy trình siêu âm thai nhi. Theo đó, để tiến hành, bác sĩ sẽ quét ngực bằng đầu dò thông minh cầm tay, kết hợp ánh sáng và âm thanh để thu thập các thông số máu và thành phần mô. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi sự thay đổi nồng độ của hemoglobin mang oxy và đã bị khử oxy, collagen, lipit và nước có trong một khối u nghi ngờ xuất hiện ở vú, từ đó đối chiếu với tập hợp các kết quả đã lập trình sẵn, để đưa ra kết luận.

Ít kết quả dương tính giả

Nhóm tác giả nhấn mạnh rằng, vì phương pháp chụp nhũ ảnh hiện đang được sử dụng có thể dẫn đến kết quả dương tính giả: Các khối u bản chất là lành tính nhưng lại cho kết quả xét nghiệm là ác tính. Vì vậy, khi chẩn đoán ung thư vú, các bác sĩ cần phải thực hiện sinh thiết, vốn là một kỹ thuật xâm lấn, để khẳng định chắc chắn, dẫn đến những ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự tốn kém chi phí. Phương pháp của SOLUS đang hướng đến mục tiêu đạt độ nhạy 95% và độ đặc hiệu 90% và sẽ dần thay thế được sinh thiết, trong chẩn đoán ung thư vú.

Phát triển công nghệ chẩn đoán ung thư vú không cần sinh thiết - 3

"Thông thường, bệnh nhân sẽ phải chờ nhiều ngày thậm chí là nhiều tuần để nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú của mình, điều này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý và đương nhiên quy trình sinh thiết cũng không dễ chịu chút nào. Chúng tôi hy vọng hệ thống ứng dụng công nghệ siêu âm và công nghệ quang đang được phát triển này có thể thay thế được sinh thiết. Chúng tôi dự định sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2020 này" - GS Paola Taroni, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết.

Minh Nhật

Theo Medical Xpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm