Phát hiện ung thư gan giai đoạn cuối có thể sống thêm bao lâu?
(Dân trí) - Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.
Tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao, vì bệnh thường phát hiện ở giai đoạn giữa và cuối khi đã có những biểu hiện bệnh rõ ràng.
Chuyên gia gan mật chỉ ra rằng, vì không có cảm giác đau ở gan nên ngay cả khi khối u phát triển bên trong người bệnh cũng khó lòng phát hiện.
Khi khối u phát triển đến mức đau bụng, chướng bụng, da và tròng trắng mắt chuyển vàng, chán ăn, sụt cân, buồn nôn, hôn mê thì thường có nghĩa là tế bào ung thư đã tăng sinh đáng kể, ung thư gan đã tiến triển đến giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối và chức năng gan đã suy giảm trầm trọng.
Ung thư gan phát triển rất nhanh và có thể tăng gấp đôi kích thước trong 3 tháng. Mất khoảng 6 đến 9 tháng để bệnh tiến triển từ giai đoạn đầu tiên lên giai đoạn thứ hai.
Sẽ mất thêm 6 đến 9 tháng nữa để kết thúc giai đoạn này. Nếu phát hiện ở giai đoạn giữa và cuối, thường bệnh có thể gây tử vong trong vòng nửa năm hoặc một năm.
Trong khi đó, bệnh ung thư gan nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu thì sẽ có nhiều phương án điều trị hơn và cơ hội chữa khỏi sẽ tăng lên.
Theo hướng dẫn về viêm gan B của Hiệp hội Gan mật Châu Á - Thái Bình Dương, những người có nguy cơ cao mắc bệnh gan nên siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu để tìm mức độ alpha-fetoprotein (AFP) mỗi 6 tháng để theo dõi sức khỏe gan.
Nếu có vấn đề trong quá trình khám, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán theo dõi.
Do sự phát triển nhanh chóng của các khối u gan, các bác sĩ khuyến cáo người trên 40 tuổi nên siêu âm gan, đặc biệt đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức. Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư gan phải phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tổn thương và tình trạng xơ gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích...
Ung thư gan rất khó chữa khỏi, vì bệnh thường không được phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi điều trị thành công, ung thư gan có thể không bao giờ khỏi hoàn toàn, vì vậy việc theo dõi là rất quan trọng.
Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…. Ngoài ra, tiêm đầy đủ vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.