Phát hiện sốt xuất huyết qua diễn tiến cơn sốt

(Dân trí) - Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước với số người mắc bệnh tăng cao. Không giống các bệnh sốt vi rút thông thường, sốt xuất huyết rất nguy hiểm, đặc biệt khi nhập viện muộn bởi gây tình trạng sốt cao liên tục, giảm tiểu cầu gây chảy máu, tăng men gan, sốc… nguy hiểm tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, trong các bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, đa phần bệnh nhân nhập viện muộn vì không nghĩ mình bị sốt suất huyết. Bệnh nhân đến khám phần lớn đều tưởng mình sốt vi rút nên khi được yêu cầu nhập viện rất ngỡ ngàng, cứ nghĩ sốt xoàng vài ba ngày thì khỏi. Việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng mà còn kéo dài thời gian điều trị hơn.

 

1-sxh-ac4a5
Một trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Ảnh: Vân Sơn

Ví như khi lượng tiểu cầu giảm quá thấp sẽ gây hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, chỉ ở mức 10-11 nghìn, thậm chí có bệnh nhân chỉ còn 6 - 8 nghìn tiểu cầu. Tình trạng giảm tiểu cầu quá mức này rất nguy hiểm, bệnh nhân dễ bị chảy máu, xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Những bệnh nhân SXH có tiểu cầu dưới ngưỡng 50 nghìn thì người bệnh sẽ phải nhập viện theo dõi điều trị, sẵn sàng truyền tiểu cầu nếu có xuất huyết. Ngoài ra sốt xuất huyết còn gây tăng men gan, sốc… rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện điều trị sớm.

Với dấu hiệu ban đầu rất giống sốt vi rút thông thường nhưng hậu quả thì rất nguy hiểm nên việc theo dõi những dấu hiệu bệnh để tới viện đúng thời điểm là rất quan trọng. Dấu hiệu tiền sốc của bệnh nhân SXH có thể nhận biết khi bệnh nhân có đau vùng gan, người bắt đầu bứt dứt, khó chịu… thì cần phải điều trị ngay để chống sốc, giảm nguy cơ tử vong. Dưới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Kính hướng dẫn người dân theo dõi cơn sốt của mình để nhận biết sốt xuất huyết nguy hiểm, kịp thời đến viện điều trị:

Ngày sốt thứ nhất:

Như các bệnh sốt vi rút khác, ngày đầu tiên bệnh nhân sốt xuất huyết cũng bị sốt cao. Không có dấu hiệu đặc biệt gì khác giữa sốt xuất huyết và sốt vi rút thông thường. Tuy nhiên, nếu sốt cao do SXH thì sau khi uống paracetamol để hạ nhiệt, thì thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại, thời gian sốt lại nhanh hơn so với sốt vi rút thông thường.

Ngày sốt thứ hai:

Ở ngày thứ 2 nhiễm bệnh, bệnh nhân vẫn sốt cao như ngày đầu. Nhưng lúc này, người bệnh đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu và thường người dân không có kinh nghiệm để nhận biết. Nếu tới bệnh viện khám, thầy thuốc có kinh nghiệm có thể thấy da của bệnh nhân xung huyết nặng nề hơn người bình thường bằng cách ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua thao tác thăm khám đo huyết áp.

Trong hai ngày đầu tiên này, dù xác định hay chưa xác định được sốt xuất huyết bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ dặn dò theo dõi nguy cơ và hạ sốt tại nhà.

Ngày sốt thứ 3, thứ 4:

Lúc này, bệnh nhân SXH vẫn sốt cao nhưng xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu điển hình  như có người chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường hoặc kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Nếu đến cơ sở y tế khám lúc này người bệnh có thể xét nghiệm máu đơn giản đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, đặc biệt là số lượng tiểu cầu. Nếu tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000 nghìn thì có thể khẳng định bệnh nhân chắc chắn bị SXH.

Và trên cơ sở xét nghiệm khẳng định SXH sẽ được theo dõi xét nghiệm máu theo dõi sự sụt giảm của tiểu cầu. Nếu tiểu cầu sụt xuống dưới 30-40 nghìn thì người bệnh sẽ phải nhập viện theo dõi điều trị, sẵn sàng truyền tiểu cầu nếu có xuất huyết nếu không nguy cơ tử vong cao.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp tiểu cầu sụt xuống chỉ còn 20 nghìn, thậm chí 10 nghìn nhưng không bị xuất huyết thì cũng không nhất thiết phải truyền tiểu cầu mà chỉ cần truyền thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Vì thế, BS Kính khuyến cáo, trong thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này để tự theo dõi và đến bệnh viện khám.

Bộ Y tế ngày 4/8 cũng đưa ra khuyến cáo trong mùa SXH hiện nay, người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến BV khám để được bác sĩ tư vấn, dặn dò theo dõi. Khi được bác sĩ dặn dò theo dõi dấu hiệu, tái khám người dân sẽ biết cách nhận biết tốt dấu hiệu nguy cơ, thời điểm cần đến BV khi bị SXH. Bởi thực tế tuy nguy hiểm nhưng phần lớn các trường hợp SXH có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống paracetamol hạ sốt, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước chỉ khi có những diễn biến nặng mới nhập viện điều trị.

Hồng Hải