Phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào?
(Dân trí) - Tại Việt Nam ung thư phổi là một trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh thường được phát hiện muộn và khó điều trị.
Theo bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, sàng lọc ung thư phổi cổ điển có thể tiến hành theo các phương pháp như chụp X-quang lồng ngực, mô bệnh học đờm, tuy nhiên hai phương pháp này dù sử dụng riêng lẻ hay đồng thời cho hiệu quả rất kém và không làm giảm nguy cơ tử vong của ung thư phổi.
Với sự phát triển của y học, các phương pháp tiên tiến, hiện đại hơn ra đời, và kỹ thuật cao nhất hiện nay, đã chứng minh được hiệu quả là chụp cắt lớp vi tính liều thấp (low-dose computed tomography - LDCT) lồng ngực.
Chụp cắt lớp vi tính liều thấp là kỹ thuật đặc biệt, kết hợp giữa trang thiết bị hiện đại, thuật toán vi tính phức tạp, tạo ra nhiều lát cắt mỏng để sớm phát hiện các tổn thương dù nhỏ nhất, đồng thời giảm lượng bức xạ mà bệnh nhân phải chịu so với chụp cắt lớp vi tính thông thường, nâng cao sự an toàn cho bệnh nhân.
Ai nên tiến hành sàng lọc ung thư phổi?
Theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, sàng lọc ung thư phổi nên tiến hành hàng năm sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính liều thấp đối với những đối tượng sau:
- Ở độ tuổi 55-74 tuổi, trong tình trạng sức khỏe khá tốt
- Đang hút thuốc lá, hoặc đã bỏ thuốc chưa quá 15 năm
- Hút thuốc với số lượng từ 30 bao-năm* trở lên
* Số bao-năm thuốc lá được tính theo công thức:
(Số bao-năm) = (Số bao thuốc/ngày) x (Số năm hút thuốc)