Phát hiện nhiều chiêu móc túi người bệnh của bệnh viện

Bệnh viện nào cũng kêu lỗ, sắp phải đóng cửa vì viện phí thấp. Nhưng khảo sát của Bảo hiểm xã hội VN thời gian qua tại một số địa phương cho thấy có nhiều “chiêu” để tăng thu từ người bệnh.

Phát hiện nhiều chiêu móc túi người bệnh của bệnh viện - 1


Các “chiêu” thường thấy là đưa trước trượt giá vào giá viện phí, đưa các chi phí không có trong cơ cấu giá vào viện phí, mua thuốc giá cao mặc dù thị trường có thuốc cùng loại giá thấp...

 

Đưa trượt giá trước... bốn năm vào viện phí

 

Đề phòng nguy cơ tăng giá, từ năm 2007 khi xây dựng danh mục giá khoảng 300 dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật y tế, các bệnh viện ở tỉnh Thanh Hóa đã đưa trước 5-10% trượt giá vào giá thành khiến giá viện phí tăng. Đơn cử như dịch vụ cắt gan, khâu vết thương mạch máu tĩnh mạch trên gan, tĩnh mạch chủ dưới giá bệnh viện xây dựng là 2.763.000 đồng, giá tối đa được phê duyệt là 2.500.000 đồng, nhưng giá thực tế sau kiểm tra chỉ còn 1.548.000 đồng. Điều đáng nói là mức giá này đã được áp dụng suốt 4 năm qua, và người bệnh đã phải cắn răng chi trả.

 

Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), có rất nhiều cách để tăng thu từ người bệnh. Tại tỉnh Nam Định, bệnh viện đã đưa các chi phí như giặt ủi, tiệt trùng buồng bệnh, phòng mổ, rửa tay... vốn ở mục chi thường xuyên, không có trong cơ cấu giá vào giá viện phí, nhưng chi phí lặt vặt này cũng khiến nhiều dịch vụ tăng giá thêm 200.000-500.000 đồng/lần sử dụng. “Nếu có trong cơ cấu giá, bao nhiêu cũng phải chi, nhưng không có mà đưa vào là sai quy định, chúng tôi sẽ chỉ trả cho bệnh viện ở mức giá tối thiểu theo quy dịnh của Bộ Tài chính - Bộ Y tế. Nếu không, người có thẻ bảo hiểm y tế thì còn có quỹ lo, người nộp viện phí trực tiếp phải bỏ tiền túi ra rất vô lý”, ông Tỉnh nói.

 

Khảo sát danh mục dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật y tế năm 2007 của tỉnh Thanh Hóa cũng cho thấy phần lớn thủ thuật giá bệnh viện xây dựng luôn cao hơn mức giá tối đa và được phê duyệt ở mức tối đa. Số còn lại có giá xây dựng bằng 70-80% giá tối đa hoặc bệnh viện không xây dựng, nhưng cũng được đẩy lên bằng giá tối đa với việc đưa trước trượt giá vào giá thành, khiến mức thu thực tế của nhiều dịch vụ cao hơn 200.000-1 triệu đồng so với mặt bằng đơn giá năm 2007.

 

Tăng giá thuốc

 

Giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện cũng vô tội vạ, khiến mới đây trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) Phạm Lương Sơn phải có văn bản yêu cầu các địa phương tạm dừng thanh toán cho các bệnh viện mua thuốc Cefixim có chênh lệch giá trên 20% so với giá trúng thầu thấp nhất được lấy làm mẫu (Cefixim trúng thầu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị).

 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, cùng loại thuốc Cefixim nguồn gốc châu Á, nhưng có bệnh viện chấm trúng thầu hơn bệnh viện bạn 40-68%. Thậm chí có trường hợp cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng nhà sản xuất, giá trúng thầu chênh lệch giữa các địa phương tới 40%!

 

Khảo sát của Bảo hiểm xã hội VN so sánh giá thuốc đấu thầu năm 2010 giữa Thanh Hóa và các tỉnh lân cận và Hà Nội cho thấy có khi loại thuốc sản xuất tại Thanh Hóa, giá bán tại Thanh Hóa lại đắt hơn giá bán vào Hà Tĩnh, Nghệ An hay bán ra Hà Nam, mặc dù thuốc chuyển đi tỉnh bạn cần thêm chi phí vận chuyển. Cũng có trường hợp cùng loại thuốc Ginkgo 80 nang mềm, giá trúng thầu tại Thanh Hóa cao gần gấp đôi so với giá bán tại Nghệ An.

 

Trả lời về việc này, mới đây Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản cho rằng Thanh Hóa đấu thầu theo gói, có loại giá cao hơn các tỉnh bạn, nhưng cũng có loại thấp hơn và tính cả gói thầu thì giá không cao hơn.

 

Tuy nhiên theo ông Tỉnh, đấu thầu theo gói dễ dẫn đến hiện tượng thuốc nào bán chạy, dùng nhiều thì chấm loại giá cao, thuốc hãn hữu mới dùng thì giá rẻ không có ý nghĩa. Xét trên tổng thể danh mục thuốc trúng thầu tại Thanh Hóa thì số sản phẩm giá cao hơn các tỉnh bạn trội hơn hẳn so với số lượng thuốc cùng loại giá thấp hơn.

 

Sắp tới đây, Chính phủ sẽ phê duyệt viện phí mới được điều chỉnh của các dịch vụ y tế có giá quá lỗi thời, nếu không sẽ khó khăn cho bệnh viện. Nhưng theo ông Tỉnh, với các dịch vụ chưa được điều chỉnh giá, rất nên xây dựng giá mới trên cơ sở thực tế, xem bệnh án mỗi bệnh nhân bệnh A, bệnh B cụ thể sử dụng bao nhiêu thuốc, bao nhiêu vật tư, thuốc nào phù hợp, giá bao nhiêu, chi phí khử khuẩn, sát khuẩn bao nhiêu... để giá viện phí phù hợp hơn.

 

“Rất nên tính giá viện phí theo hướng minh bạch, Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu, viện phí bao nhiêu, thực tế bệnh nhân được hưởng như thế nào, chứ không thể tính cả giá phòng điều hòa mà thực tế bệnh nhân lại nằm quạt”, ông Tỉnh nói.

 

Theo Lan anh

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm