Phát động “Chiến dịch Quốc gia phòng chống bệnh tay-chân-miệng”
(Dân trí) - Trước tình hình dịch tay-chân-miệng diễn biễn phức tạp trên diện rộng trong những tháng đầu năm nay, Bộ Y tế đã chính thức phát động “Chiến dịch Quốc gia phòng chống bệnh tay-chân-miệng” với mong muốn “ổ dịch sẽ sớm chấm dứt và bệnh dịch sẽ nhanh chóng được khống chế”.
Chiến dịch Phòng chống bệnh tay chân miệng nhân được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ. (Ảnh: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ phát động)
Trong những tháng đầu năm nay, bệnh tay chân miệng tại Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc tăng 1,7-1,8 lần so với cùng kỳ năm 2011. Còn tại Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc tay-chân-miệng vẫn tiếp tục được ghi nhận trên diện rộng, tăng hơn 7 lần (gần 8.000 trường hợp). Riêng số trường hợp tử vong tăng 9 lần (hiện có 9 ca tử vong).
Đặc biệt, theo kết quả một số nghiên cứu, tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch lên tới hơn 70%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Trong khi đó, bệnh lại chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do đó, Bộ Y tế đã chính thức phát động “Chiến dịch Quốc gia phòng chống bệnh tay-chân-miệng” vào sáng nay (2/3) tại TP Hải Phòng, thành phố nằm trong top 3 địa phương (cùng với Hậu Giang và Kiên Giang) có số ca mắc tay chân miệng/100.000 dân cao nhất cả nước và nằm trong nhóm 11 tỉnh thành có số mắc tay chân miệng cao liên tục trong 3 tuần gần đây nhất. Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trong buổi lễ phát động này, ngoài việc đề nghị các đồng chí Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng, kêu gọi những người chăm sóc trẻ thực hiện 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, đồ chơi của trẻ sạch), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: “Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng chống bệnh lây truyền đơn giản nhưng hữu hiệu”.
Còn Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Nga khẳng định: “Trong bối cảnh dịch tay chân miệng, dịch cúm gia cầm hiện nay, rửa tay là cách phòng chống bệnh đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất”.
Trên thực tế, nhận thức được ý nghĩa to lớn của rửa tay bằng xà phòng giúp giảm 40% nguy cơ lây bệnh đường tiêu hóa Bộ Y tế đã phối hợp cùng Unilever phát động phong trào rửa tay bằng xà phòng ở 10 tỉnh, thêm 5 tỉnh thành nữa trong năm nay và trong 5 năm tới sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
Tin và ảnh: Thu Phương