1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phản ứng sau tiêm chủng, cộng đồng thích… nghe tiêu cực

(Dân trí) - Chưa cần biết trẻ bị phản ứng thông thường hay phản ứng nặng, mỗi thông tin về “sự cố” tiêm chủng đều có rất nhiều người công kích. Nếu không có nhận thức đúng, hành động đúng, trào lưu anti vắc xin sẽ trỗi dậy, đối tượng gặp nguy hiểm chính là con trẻ.

Phản ứng thông thường hay sốc phản vệ?

Ngày 1/7, sau khi thông tin về trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi bị nổi mề đay sau tiêm chủng được thân nhân chia sẻ trên facebook ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng với hàng chục nghìn lượt xem và chia sẻ. Thông tin từ gia đình cho rằng bệnh nhi bị sốc phản vệ, với thuốc đã nhận được nhiều chia sẻ, bình luận trên facebook theo hướng “kết tội” cho vắc xin.

Theo thông tin từ cơ sở tiêm chủng được biết, bé N.X.H.H sinh ngày 1/4/2019 được gia đình đưa đến tiêm vắc xin Synflorix, Hexaxim và uống vắc xin Rotateq (mũi 2) theo lịch hẹn sau khi đã uống và chích các vắc xin trên lần 1 (ngày 1/6). Bệnh nhi đã được bác sĩ khám sàng lọc, khai thác thông tin bệnh sử theo đúng quy định, sau đó thực hiện chủng ngừa.

Phản ứng sau tiêm chủng, cộng đồng thích… nghe tiêu cực - 1

Trẻ cần được chủng ngừa để tránh nguy cơ mắc phải những loại bệnh nguy hiểm

Ngay sau khi tiêm 2 mũi và uống vắc xin, bác sĩ phát hiện bệnh nhi nổi ban sẩn vùng đầu mặt rồi lan xuống chi dưới, bệnh nhi vẫn tỉnh táo, không quấy khóc, thở bình thường. Bệnh nhi được chuyển sang phòng xử lý phản ứng sau tiêm. Sau khi đánh giá trẻ bị phản ứng nhẹ (độ 1) bệnh nhi được tiêm thuốc chống dị ứng, các ban trên người dần lặn hết. Để chủ động theo dõi, tránh diễn tiến bất lợi (nếu có) trẻ đã được chuyển sang bệnh viện sau 2 ngày không ghi nhận thêm bất kỳ biểu hiện bất lợi nào, bệnh nhi đã được xuất viện.

Liên quan đến vụ việc trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng: “Đây có thể là một trường hợp bị phản ứng hiếm gặp sau tiêm chủng do yếu tố cơ địa. Nhưng biểu hiện nổi mề đay trên cơ thể bệnh nhi sau tiêm mới chỉ là phản ứng thông thường ở mức nhẹ. Trường hợp tương tự như vậy ở bệnh viện tôi gặp đầy… cơ sở tiêm chủng đã xử lý tốt theo phác đồ của Bộ Y tế”.

Tuy nhiên, cũng như những vụ việc khác liên quan đến vắc xin, trường hợp của cháu bé gặp phản ứng sau tiêm trở thành chủ đề bàn tán, công kích của cộng đồng mạng. BS Hữu Khanh cho rằng, nếu không hiểu đúng bản chất của vấn đề mà cả cộng đồng hùa theo những người theo nhóm anti vắc xin sẽ trở thành hiểm họa cho con trẻ.

Cha mẹ bài trừ vắc xin, con trẻ sẽ gặp nguy hiểm

Phân tích chuyên môn của BS Hữu Khanh chỉ ra: “Sau khi chào đời và lớn lên trẻ sẽ đối mặt với vi trùng, những tác nhân gây bệnh, đây là nguyên nhân gây tử vong. Để trẻ có thể đề kháng trước những tác nhân gây bệnh thì cần phải giúp cơ thể tập luyện, thấy được tác nhân gây bệnh từ đó hình thành phản ứng chống lại. Các nhà khoa học đã chế ra vắc xin từ những sinh vật bất hoạt (tức là không còn hoạt động - vô bào) hoặc còn sống (nguyên bào) nhưng rất yếu không thể gây bệnh, chủ động đưa vào cơ thể trẻ, giúp cơ thể nhận thấy được tác nhân gây bệnh, khi gặp tình huống tương tự sẽ có phản ứng phòng vệ”.

Theo BS Hữu Khanh: “Hình thức tiêm hoặc uống những loại chế phẩm, vắc xin thực chất là giúp cơ thể tập dượt để tạo ra hệ thống miễn dịch trước các loại bệnh. Vắc xin không gây bệnh mà có lợi cho con người, nó giúp toàn bộ cơ thể đặc biệt là hệ thống tế bào tạo ra những kháng thể trong quá trình sống. Nguyên tắc của quá trình tập luyện là phải mệt, không có ai tập luyện mà khỏe cả. Do đó, phản ứng bất lợi cơ thể gặp phải khi chích ngừa vắc xin là chuyện đương nhiên”.

Phản ứng sau tiêm chủng, cộng đồng thích… nghe tiêu cực - 2

Phụ huynh cần trang bị kiến thức để chủ động bảo vệ sức khỏe cho con trẻ, bài trừ vắc xin sẽ là hành động "đào mồ" cho con mình

BS Khanh cho biết, phản ứng sau tiêm được chia thành 4 cấp độ khác nhau: cấp độ I, trẻ bị nổi mề đay sau đó lan dần đến nhiều vùng trên cơ thể, có thể phù miệng hoặc không; cấp độ II, trẻ bị nổi mề đay toàn thân, mạch nhanh hơn, có biểu hiện lừ đừ; cấp độ III, trẻ bị tím tái, khó thở, co giật, lơ mơ; cấp độ IV, trẻ bị ngưng tim, ngưng thở. Hầu hết bệnh nhi tiêm chủng đều gặp phản ứng nhẹ tức là phản ứng thông thường sau tiêm, các mức độ phản ứng nặng dẫn tới sốc phản vệ do yếu tố cơ địa hiếm khi xảy ra.

Trước đây, vắc xin ho gà là vắc xin toàn tế bào nên thường khiến trẻ đau nhức cơ nhiều, hành sốt nhiều khiến phụ huynh lo lắng. Với vắc xin thế hệ mới, ho gà là dạng vô bào nên ít hành bệnh nhân hơn, tuy nhiên bệnh nhân phải chích nhắc nhiều mũi. Phản ứng thông thường mức độ nhẹ từ vắc xin ho gà do đó cũng sẽ ít hơn nhưng phản ứng nặng do yếu tố cơ địa của trẻ sẽ không giảm bởi tình trạng sốc phản vệ là do yếu tố cơ địa của người bệnh. Việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời tình trạng phản ứng nặng sẽ tránh nguy hiểm cho bệnh nhân.

Liên quan đến những phản ứng tiêu cực từ mạng xã hội, BS Hữu Khanh cho rằng: “Cộng đồng thường thích nghe và hùa theo những thông tin tiêu cực có liên quan đến vắc xin. Đây là mục tiêu được nhóm những người theo trào lưu anti vắc xin cố tình xây dựng, chỉ cần một sự kiện nhỏ hoàn toàn vô hại nhưng lợi dụng điều này họ sẽ đẩy thông tin lên cao đến mức nguy hiểm để kéo những người không vững lập trường về phía họ.

Cộng đồng cần hiểu, tất cả những vấn đề phản ứng xảy ra thuộc về yếu tố cơ địa, đây là trường hợp hiếm khi xảy ra. Khi trẻ gặp những phản ứng ở mức độ nhẹ, các nhà chuyên môn sẽ phải tìm những giải pháp hỗ trợ để tiếp tục chích ngừa, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân. Chỉ những trường hợp sốc nặng, nguy hiểm đến tính mạng, mới không nên tiếp tục chích ngừa. Mỗi người cần phải chọn lọc nguồn thông tin đáng tin cậy, không hiểu có thể đi hỏi những người làm công tác chuyên môn. Nếu bệnh nhi mới gặp phản ứng chưa nguy hiểm nhưng gia đình, cộng đồng đã quay sang công kích, bài trừ vắc xin thì đối tượng bị thiệt thòi, rơi vào nguy hiểm chính là con trẻ.

Vân Sơn