Phân biệt sốt xuất huyết và cúm A/H1N1

(Dân trí) - Cùng biểu hiện với triệu chứng sốt cao nên khi bị sốt, người bệnh rất hoang mang không biết mình bị cúm A/H1N1 hay sốt xuất huyết (SXH). Thực tế, nếu quan sát kỹ có thể nhận thấy sự khác biệt từng ngày giữa hai loại bệnh.

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia chia sẻ dấu hiệu phân biệt giữa hai loại bệnh tại buổi toạ đàm: “Đối mặt với dịch SXH và cúm A/H1N1” diễn ra sáng 30/9 do kênh truyền hình O2 TV tổ chức.
 
Phân biệt sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 - 1
Sau 3 - 4 ngày đầu, bệnh nhân SXH thường biểu hiện rất nặng nề như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tăng men gan, sốc... nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời. (Ảnh chụp tại khoa Điều trị tích cực, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ảnh: H.Hải)
 
Ở ngày thứ nhất: Cả bệnh SXH và cúm A/H1N1 thường chỉ có biểu hiện là sốt cao. Vì thế, để phân biệt giữa hai loại bệnh này không hề đơn giản, ngay cả với bác sĩ có kinh nghiệm. Tuy nhiên, có thể quan sát, theo dõi tình trạng hạ sốt sau khi uống thuốc paracetamol để nhận biết. Nếu sốt cao do SXH thì sau khi uống paracetamol để hạ nhiệt, thì thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại. Còn nếu sốt do vi rút cúm A/H1N1 gây ra thì sau khi dùng thuốc hạ nhiệt thì sẽ duy trì hạ nhiệt cho bệnh nhân thời gian dài hơn.

Ở ngày thứ hai: Cả hai loại bệnh đều có những diễn biến rõ rệt, thay đổi từng ngày. Như với cúm A/H1N1, bệnh nhân ngoài sốt, thì thường có biểu hiện của viêm họng hoặc có ho, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Còn trong trường hợp bệnh nặng thì đã bắt đầu xuất hiện triệu chứng của đau tức ngực, khó thở.

Còn cơ chế bệnh sinh của SXH lại khác hẳn với cơ chế gây cúm. Bệnh nhân SXH ngày thứ 2 vẫn thường chỉ biểu hiện sốt, không có biểu hiện gì khác. Nhưng thực tế, ở thời điểm này, người bệnh đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Nếu tới bệnh viện khám, thầy thuốc có kinh nghiệm có thể thấy da của bệnh nhân xung huyết nặng nề hơn người bình thường bằng cách ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua thao tác thăm khám đo huyết áp.

Ở ngày thứ 3, thứ 4: Với cả hai loại bệnh, triệu chứng càng trở nên rõ ràng hơn. Riêng với SXH, người bệnh thấy sốt cao vẫn là chủ đạo nhưng cũng có thêm nhiều dấu hiệu điển hình như có trường hợp có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc chấm xuất huyết dưới da. Phụ nữ xuất hiện hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường hoặc kỳ kinh kéo dài hơn bình thường. Nếu đến cơ sở y tế khám lúc này người bệnh có thể xét nghiệm máu đơn giản đếm số lượng hồng cầu, bạch cầu, đặc biệt là số lượng tiểu cầu. Nếu tiểu cầu giảm xuống dưới 100.000 ngàn thì có thể khẳng định bệnh nhân chắc chắn bị SXH.

Còn cúm A/H1N1 thì thời điểm này biểu hiện quá rõ rệt với biểu hiện viêm long đường hô hấp ồ ạt. Người bệnh chảy mũi, hắt hơi, ho còn trong trường hợp nặng thì dấu hiệu đau tức ngực, khó thở có thể đã điển hình. Lúc này, nếu bệnh nhân mới bắt đầu tới khám thì đã muộn hơn so với khuyến cáo, việc dùng Tamiflu sẽ có hiệu quả không cao bằng phát hiện, uống thuốc ngay sau khi có biểu hiện bệnh. Do vậy, ngay từ khi có dấu hiệu cúm, người bệnh nên tới khám để được điều trị kịp thời.

Còn SXH thì đây là giai đoạn bước vào điều trị. Thường 3 ngày đầu bệnh nhân được điều trị ngoại trú chủ yếu bằng hạ sốt. Nhưng từ thời điểm này, người bệnh cần tới viện để tiến hành xét nghiệm máu theo dõi sự sụt giảm của tiểu cầu. Nếu tiểu cầu sụt xuống dưới 30-40 nghìn thì người bệnh sẽ phải nhập viện theo dõi điều trị, sẵn sàng truyền tiểu cầu nếu có xuất huyết nếu không nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên việc truyền tiểu cầu phải tuân theo đúng chỉ định vì cá biệt, có những bệnh nhân tiểu cầu sụt xuống chỉ còn 20 nghìn, thậm chí 10 nghìn nhưng không bị xuất huyết thì cũng không nhất thiết phải truyền tiểu cầu mà chỉ cần truyền thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Theo TS Kính, khác với mọi năm, năm nay dịch SXH tấn công vào người lớn nhiều hơn trẻ em và dịch xuất hiện tại hầu hết các tỉnh phía Bắc. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân SXH, các bác sĩ tại Viện nhận thấy năm nay phần lớn bệnh nhân mắc SXH tuýp D2. Đây là type có khả năng khiến bệnh nhân tái nhiễm và nguy cơ sốc tái nhiễm cao dễ dẫn tới khả năng tử vong cao hơn mắc các tuýp SXH khác.

Vì thế, việc theo dõi những dấu hiệu bệnh để tới viện đúng thời điểm là rất quan trọng. Dấu hiệu tiền sốc của bệnh nhân SXH có thể nhận biết khi bệnh nhân có đau vùng gan, người bắt đầu bứt dứt, khó chịu… thì cần phải điều trị ngay để chống sốc, giảm nguy cơ tử vong.
 
“Hiện số ca nhiễm cúm A/H1N1 thực tế trong cộng đồng rất cao nhưng số bệnh nhân phải viện điều trị chủ yếu là SXH chứ không phải là cúm A/H1N1.
 
TS Kính cho biết, tại Viện Các bệnh lâm sàng và Nhiệt đới quốc gia, hiện mỗi ngày có vẫn có khoảng 650 bệnh nhân tới khám, trong đó khoảng  200 trường hợp là nghi ngờ cúm A/H1N1, còn tới trên 300 ca là SXH, còn lại là các bệnh truyền nhiễm khác.

 

Gần 90% trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 giống hệt cúm mùa, lành tính, tương đối nhẹ chỉ ở thể trung bình, thậm chí không cần điều trị bằng Tamiflu cũng khỏi. Vì thế, việc bồi bổ sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại vitamin sẽ giúp chống đỡ bệnh tật.

Hồng Hải