Phải làm gì nếu choáng váng sau tắm khi trời lạnh?
(Dân trí) - Những ngày miền Bắc giá lạnh, nhiều người sau tắm có hiện tượng choáng váng, ngất xỉu... TS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) giải thích về hiện tượng này và cách xử lý tình trạng choáng váng sau tắm.
Theo TS Chính, trong mùa lạnh, nhiều người có hiện tượng choáng váng sau tắm, thậm chí ngất xỉu sau khi tắm. Điều này khiến nhiều người hoảng hốt, cho rằng bị đột quỵ sau tắm, dù họ đã tắm nước nóng, trong phòng kín gió.
"Thực tế, đây là hiện tượng gặp khá nhiều trong mùa lạnh. Bình thường, khi ở nhiệt độ lạnh sẽ khiến mạch máu co lại. Khi tắm, nhất là tắm vào đêm tối, cơ thể gặp nước ấm, nước ấm làm hệ thống mạch máu giãn ra, máu ở vị trí trung tâm dồn ra ngoại vi đột ngột vì thế làm giảm lượng máu đưa lên não, lên tim, đưa ra hiện tượng choáng váng, ngất xỉu. Hiện tượng này khác với đột quỵ", TS Chính lý giải.
Theo đó, khi gặp hiện tượng choáng sau tắm, mọi người nên nằm nghỉ ngơi, nằm đầu thấp giúp máu phân bố lại tốt hơn sẽ qua hiện tượng này.
TS Chính cũng lưu ý để giảm hiện tượng mạch máu giãn đột ngột, mọi người nên vận động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi tắm. Khi tắm, điều chỉnh nước với nhiệt độ ấm vừa phải, không nên để quá nóng và để nước tiếp xúc với cơ thể một cách từ từ, "làm quen" từ chân, tay rồi lên đến người.
TS Chính cũng khuyến cáo người dân không nên tắm quá khuya trong thời tiết lạnh giá. Khong nên tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể.
Trước thời tiết giá lạnh của miền Bắc, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng phải mặc ấm, che chắn kỹ càng khi đi ngoài. Đặc biệt không nên tắm muộn sau 22 giờ để phòng nguy cơ sốc nhiệt.
Theo PGS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), vào các đợt rét, ngoài các bệnh hen suyễn, viêm họng, phổi tắc nghẽn mạn tính, ngộ độc khí than do sưởi ấm... bệnh nhân đột quỵ bao giờ cũng có xu hướng tăng 10 - 20% so với ngày thường.
Đây là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ.
Đặc biệt, thời tiết lạnh này ảnh hưởng nhiều đến đối tượng người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời: người lao động nông nghiệp, công nhân…; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp.
Vì thế, để dự phòng các bệnh trong mùa lạnh, người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Thói quen của nhiều người dân dậy sớm 4 - 5 giờ sáng ra đường tập thể dục cũng nên từ bỏ. Khi phải ra đường trong khoảng thời gian này cần trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...
Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
Hồng Hải