Omicron áp đảo, tỉ lệ F0 tại Hà Nội phải nhập viện dưới 1,5%
(Dân trí) - Bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, Omicron hiện là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này.
Khoảng 1 - 1,5% F0 tại Hà Nội nhập viện
"Số bệnh nhân điều trị tại tầng 2, 3 giảm", đây là thông tin được Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu ra trong cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 10/3.
Theo bà Hà, biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2 tầng 3 có chiều hướng giảm, nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.
Cụ thể, tính đến ngày 9/3, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên, trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu). Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội. Trong thời gian tiếp theo, số mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này.
Thành phố Hà Nội đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn, song, ngành y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gen để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung. Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá…
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, gồm: Mỹ Đức, Thanh Oai, Hà Đông, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Phú Xuyên… đã báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tuần qua. Trong đó, các địa phương đặc biệt nhấn mạnh đến chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân; công tác thu dung điều trị các F0 thể nhẹ không triệu chứng; việc phân tuyến điều trị cho các bệnh nhân nặng phải chuyển tầng; bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trực tiếp tại trường. Các địa phương cũng đề nghị Thành phố tăng cường chỉ đạo các lực lượng y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch tại các địa phương khi hệ thống y tế cơ sở quá tải.
Hà Nội có 852 F0 nặng, nguy kịch
Tối 10/3, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 30.157 ca dương tính SARS-CoV-2. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (1.771); Thanh Trì (1.681); Long Biên (1.664); Nam Từ Liêm (1.530).
Như vậy, kể từ khi đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021) bùng phát, Hà Nội đã có 524.697 bệnh nhân Covid-19. Tính riêng giai đoạn Thủ đô bắt đầu chiến lược "thích ứng Covid-19" đã có 520.659 F0 được ghi nhận.
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 10/3, Hà Nội có 616.506 bệnh nhân điều trị tại nhà, 416 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 4.543 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 3.069 F0 ở mức độ trung bình, 852 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 743 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 15 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 33 ca thở máy không xâm lấn; 51 ca phải thở máy xâm lấn; 10 ca lọc máu.
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.244 ca.