1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ô nhiễm từ đốt rác, rơm rạ gây nhiều loại bệnh nguy hiểm

Đốt rác, rơm rạ... ngoài trời phát sinh ra nhiều chất độc hại gây nhiều loại bệnh nguy  hiểm, trong đó có ung thư. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời” được Bộ TNMT tổ chức ngày 23/11.

Việc đốt rác thải, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp, hiện nay đang là một trong những vấn đề lớn mà Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng phải đối mặt. Hành động đốt ngoài trời này không những gây ra hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tồn tại bền vững trong môi trường.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “các giải pháp tận dụng sinh khối nhằm giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời”, được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 23/11.

Đốt rác ngoài trời gây ô nhiễm không khí, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm
Đốt rác ngoài trời gây ô nhiễm không khí, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm

Chia sẻ tại hội thảo, PSG - TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường – ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, hoạt động đốt cháy các vật liệu trong không khí (đốt hở) do không có phương pháp kiểm soát quy trình và các thông số hoạt động như: Đun nấu (lò than tổ ong...) hay đốt sinh khối (phụ phẩm nông nghiệp, giấy, gỗ…); đốt rác thải, sự cố cháy, cháy rừng… sẽ gây phát thải nhiều chất ô nhiễm độc hại do đốt ở nhiệt độ thấp (200-700 độ C) và thời gian không đủ để đốt cháy hoàn toàn.

Việc đốt như vậy đã phát sinh ra hàng loạt chất ô nhiễm, trong đó có bụi, CO2, kim loại (chì, thuỷ ngân, kẽm, asen), dioxin…

“Khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây ra mùi và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông. Khi đốt cháy sẽ sản sinh ra CO2 góp phần gây biến đổi khí hậu; sinh ra các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng” – bà Ánh Tuyết cảnh báo.

Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, bụi và kim loại sinh ra trong quá trình đốt hở có thể gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm cho con người như hắt hơi; kích ứng mắt, họng, phổi; khò khè, khó thở ở những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi; gây tắc nghẽn mãn tính; các vấn đề về tim mạch (bao gồm những cơn đau tim ở những người đã bị bệnh tim trước đó); kích ứng phổi, tiếp xúc với da có thể gây ra các nốt đỏ, phồng hoặc bong da…

Đáng chú ý, theo TS Tuyết, thí nghiệm cho thấy, bụi và kim loại sinh ra trong quá trình đốt đã gây ung thư đối với động vật như ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư da.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em và phụ nữ sống tại khu vực nhiều hoạt động đốt hở có nguy cơ rủi ro do phơi nhiễm cao hơn đối tượng khác.

Cũng chia sẻ tại hội thảo, Ths Nguyễn Trung Thuận (Cục Kiểm soát ô nhiễm) cảnh báo, các hoạt động đốt hở có thể là nguyên nhân hình thành khu vực ô nhiễm tồn lưu dioxin (các khu vực bị tác động từ các phát thải lâu dài từ ngành luyện kim, các lò đốt, các khu vực có hoạt động đốt hở trong thời gian dài, các khu vực bị hoả hoạn lớn). Các vấn đề về sức khoẻ tại các khu vực này bao gồm ung thư, giảm khả năng sinh sản, phá huỷ hệ miễn dịch, phá huỷ hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, tổn thương gen…

Về giải pháp, TS Nguyễn Ánh Tuyết cho rằng, “hạn chế tình trạng đốt hở bừa bãi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng môi trường cũng như sức khoẻ cộng đồng, đồng thời góp phần gián tiếp cải thiện nền kinh tế đất nước".

Trong khi đó, TS Đào Đức Liêm, Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững đề xuất các giải pháp sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp như sản xuất thủ công mỹ nghệ từ rơm, xơ dừa, bẹ ngô; vật liệu xây dựng/ván ép từ mùn cưa, gỗ, rơm; làm thức ăn chăn nuôi từ rơm rạ, thân ngô, rau xanh; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; bể biogas.

Còn ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường cho biết, có nhiều mô hình cộng đồng tối ưu hóa trong nông nghiệp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng phân hủy sinh khối tại ruộng; sử dụng một số hóa chất sinh học tăng khả năng phân hủy của sinh khối; tận dụng vỏ trấu, rơm làm chất đốt như than nén để thay thế than củi; sản xuất giấy từ mùn cưa…

Theo Xuân Hưng

Vnmedia