1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ô mai chứa chất tạo ngọt có thể gây ung thư

Tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 65/90 mẫu ô mai xí muội được lấy làm xét nghiệm trên cả nước sử dụng đường sarcarine vượt quá giới hạn cho phép, 13 mẫu sử dụng cyclamate, một loại chất tạo ngọt bị cấm sử dụng.

Đa số ô mai đều dùng đường hóa học


  

Đa số ô mai đều dùng đường hóa học

 

Ngày 21/6, phóng viên đã có cuộc khảo sát tại một số địa điểm bán ô mai trên địa bàn Hà Nội. Tại chợ Mơ tạm trên phố Kim Ngưu, dãy cửa hàng bánh kẹo bày la liệt các loại ô mai từ mặn, ngọt, xào... Ô mai được đặt trong các bọc nilon màu trắng, mở miệng để khách hàng xem mua. Một chị bán hàng ở đây cho hay, toàn hàng có uy tín, không thể có chất độc!

 

Trong chợ Đồng Xuân (Hà Nội) các quầy hàng bán ô mai cũng bày la liệt các món ô mai được giới trẻ yêu thích. Các bà bán hàng ở đây đều lắc đầu không cho phóng viên hay biết về nguồn gốc ô mai, đồng thời khẳng định không thể có chất cấm, vô tư mà... ăn.

 

Tại chợ Đồng Xa (Cầu Giấy, Hà Nội) các bà bán chè có thể dễ dàng mua 1 lạng đường siêu ngọt đủ để nấu chè bán cả tuần. Loại đường này có dạng viên lớn, màu trắng đục. Chỉ cần pha vài hạt, một bát nước đã có vị ngọt lịm. Đặc biệt, dù để đường này bất cứ đâu thì kiến, ruồi cũng không hề bâu vào.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, loại đường được cho là siêu ngọt thực chất là đường hóa học. Hiện nay, có nhiều loại đường hóa học, trong đó có đường sarcarine và chất tạo ngọt cyclamate được dùng trong ô mai nhiễm độc. Về bản chất, đường hóa học không có năng lượng, có độ ngọt cao nên thường dành cho các loại thực phẩm không có chất dinh dưỡng, dùng cho người kiêng đường như bệnh đường huyết...

 

65/90 mẫu ô mai xí muội được lấy làm xét nghiệm trên cả nước sử dụng đường sarcarine vượt quá giới hạn cho phép

 

Có thể gây ung thư, dị tật thai nhi...

 

TS Đỗ Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp) phân tích thêm, đường hóa học không nằm trong danh sách chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm vì nó không cung cấp năng lượng (calories) cho cơ thể con người như các loại đường mía. Tuy nhiên, nhiều người sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn hay sử dụng vì cái lợi kinh tế do nó mang lại. Chỉ khoảng vài chục nghìn đồng cho một kg đường hóa học nhưng có thể làm ngọt vài tấn thực phẩm. Các loại thực phẩm được dùng nhiều như chè nấu, sữa, bánh trái hay các loại thạch, nước siro dành cho trẻ nhỏ...

 

Các chuyên gia cho rằng, cũng vì không có chất dinh dưỡng nên khi dùng đường sarcarine cần có giới hạn nhất định nhằm tránh tính trạng gian lận thương mại, nhầm lẫn với đường mía có chất dinh dưỡng.

 

Còn đường cyclamate là loại chất tạo ngọt bị cấm sử dụng mặc dù chưa có tài liệu cụ thể khẳng định về độ độc hại của loại đường này. Tuy nhiên, vì các ý kiến khoa học nghi ngờ loại đường này có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ như gây ung thư ruột, ung thư gan hay dị dạng thai nhi... khiến đường này bị cấm sử dụng.

 

Riêng tình trạng ô mai nhiễm độc chì, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nghi ngờ do nhiễm độc từ nguồn phơi, ướp nguyên liệu hoặc dùng các chất hóa học bừa bãi. Bởi bản chất hoa quả từ trên cây khó nhiễm độc chì.

 

Các chuyên gia khuyến cáo người dân, trong khi thực phẩm mất an toàn đang lộng hành trên thị trường thì bản thân người dân nên nâng cao tính nghi ngờ. Hãy nghi ngờ tất cả các loại thức ăn không rõ nguồn gốc, có vị, mùi lạ... Đặc biệt, không nên ăn những thứ bán ngoài vỉa hè...

 

Theo Hiền Dung

Sức khỏe & Đời sống