1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Nuốt quả chanh mắc kẹt ở cổ họng, chàng trai 27 tuổi ngưng thở nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc ngậm quả chanh, chàng trai 27 tuổi ở TPHCM lên cơn co giật khiến dị vật bị nuốt và mắc kẹt ở cổ họng, dẫn đến ngừng thở nguy kịch.

Đó là trường hợp của anh N.V.D. (27 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM). Bệnh nhân có tiền sử động kinh từ nhỏ, đang điều trị bằng thuốc.

Khoảng 19h ngày 23/7, bệnh nhân có dấu hiệu sắp động kinh nên đã tự đưa quả chanh vào miệng ngậm đề phòng cắn lưỡi. Nhưng khi bệnh nhân vào cơn co giật, quả chanh bị kẹt ở vùng hầu họng dẫn đến ngừng thở, ngừng tim.

Nuốt quả chanh mắc kẹt ở cổ họng, chàng trai 27 tuổi ngưng thở nguy kịch - 1

Quả chanh bệnh nhân nuốt phải trong cơn co giật, gây ngưng tim, ngưng thở (Ảnh: BV).

Bệnh nhân được phòng khám tiếp nhận ban đầu xử trí ép tim rồi chuyển vào khoa Cấp cứu một bệnh viện ở quận 12 trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, ngừng tim khoảng 30 phút trước đó và tím tái toàn thân.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, vùng hầu họng có quả chanh bị kẹt, tiên lượng phục hồi khó.

Ekip điều trị đã nhanh chóng cấp cứu, gắp quả chanh ra và hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Sau 5 phút can thiệp, bệnh nhân có nhịp tim, mạch trở lại và được thở máy, nhập khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) điều trị tiếp tục.

Nuốt quả chanh mắc kẹt ở cổ họng, chàng trai 27 tuổi ngưng thở nguy kịch - 2

Sau can thiệp điều trị, bệnh nhân đã thoát chết (Ảnh: BV).

Bác sĩ Phạm Đức Long, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện nơi bệnh nhân điều trị chia sẻ, anh D. đã được điều chỉnh các rối loạn về toan kiềm, chuyển hóa trong cơ thể, kèm với dùng kháng sinh xử lý viêm phổi do hít sặc, phòng cơn co giật do động kinh.

Sau khi được điều trị, thở máy khoảng nửa ngày, bệnh nhân tỉnh táo và dần hồi phục. Hiện tại, bệnh nhân đã được xuất viện về nhà.

Theo bác sĩ Phạm Đức Long, khi phát hiện một người có dấu hiệu lên cơn co giật, tuyệt đối không được đặt bất kỳ thứ gì vào miệng bệnh nhân. Đồng thời, cũng không được giữ chặt tay chân người lên cơn co giật. Nếu bệnh nhân đeo kính, nên tháo ra, cho bệnh nhân nằm nghiêng và đặt gối dưới đầu bệnh nhân.

"Đặc biệt, chúng ta phải chú ý thời gian và diễn tiến cơ co giật kéo dài bao lâu, để thuận tiện cung cấp thêm thông tin cho bác sĩ khi đến viện", bác sĩ hướng dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm