Nuốt khó, đau ngực coi chừng bị co thắt tâm vị

(Dân trí) - Nuốt khó, nôn ói, đau vùng thượng vị sau ăn suốt cả năm dẫn tới sụt cân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các kết quả kiểm tra của bác sĩ xác định bệnh nhân bị co thắt tâm vị, được chỉ định nội soi qua đường miệng cắt cơ vòng dưới thực quản.

Liên tiếp 2 trường hợp vừa được bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM xác định mắc bệnh lý co thắt tâm vị.

Trường hợp thứ nhất là bà N.T.T.T. (51 tuổi, ngụ tại Bình Phước) đến bệnh viện thăm khám vì khó nuốt khi ăn uống, sau ăn thì nôn ói, đau vùng thượng vị. Bệnh nhân cho biết đã phải sống chung với tình trạng trên hơn 1 năm qua, từ người khỏe mạnh sau khi mắc bệnh, sức khỏe của bà T.T. ngày càng đi xuống.

co that tam vi.jpg

Co thắt tâm vị được điều trị thành công qua nội soi đường miệng cắt cơ vòng dưới thực quản

 

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.K.D. (34 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng nuốt nghẹn, đau vùng ngực sau khi ăn. Hơn 4 tháng trước, khi ăn cơm bệnh nhân có biểu hiện bị nghẹn, thời gian sau bệnh vẫn không thuyên giảm, gần đây người bệnh chuyển sang sử dụng thức ăn lỏng nhưng tình trạng nghẹn vẫn xảy ra thường xuyên. Ăn uống khó khăn khiến chị K.D. bị sụt cân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sau các kết quả thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định cả 2 bệnh nhân đều mắc bệnh lý co thắt tâm vị. Đây là tình trạng mất nhu động thực quản, giảm và mất khả năng giãn ra của cơ thắt dưới thực quản khiến thức ăn, nước từ thực quản xuống dạ dày trở nên khó khăn. Co thắt tâm vị khiến người bệnh gặp tình trạng khó nuốt ở nhiều mức độ, nôn ói, trào ngược thức ăn chưa tiêu hóa, đau tức ngực sau ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.

Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây các biến chứng như: loét thực quản; sẹo xơ gây chít hẹp thực quản; thực quản giãn to chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim; tăng nguy cơ viêm phổi, áp xe phổi do trào ngược thức ăn vào khí quản, ung thư hóa tại vùng viêm mạn tính, suy dinh dưỡng…

Đến nay nguyên nhân gây co thắt tâm vị vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy có mối liên hệ giữa nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, bệnh lý tự miễn và di truyền trên những trường hợp bị co thắt tâm vị.

Giao su Joo Young Cho bao cao tai hoi thao.JPG

GS. Cho Joo Young đến Việt Nam chuyển giao kỹ thuật giúp bác sĩ mang lại thành công trong điều trị

 

Co thắt tâm vị có thể được điều trị nội khoa với thuốc, nhằm làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản (cơ LES) hoặc nong bóng hơi làm đứt các thớ cơ vòng. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị nội khoa ít mang lại kết quả, chỉ có tác dụng ngắn hạn, nong bóng hơi đòi hỏi can thiệp nhiều lần và nguy cơ gặp các tai biến như thủng thực quản, đau ngực, chảy máu, rách niêm mạc, viêm dính, viêm phổi do hít.

Gần đây, kỹ thuật cắt cơ vòng dưới thực quản qua nội soi đường miệng (POEM) đã giải quyết tình trạng co thắt tâm vị, ít xâm lấn, giảm tai biến, giảm nguy cơ viêm dính, giúp người bệnh hồi phục nhanh. Tại khu vực Châu Á nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã ứng dụng rất thành công phương pháp cắt cơ vòng dưới thực quản.  

Để nâng cao chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của người bệnh, ngày 8/3 tại Bệnh viện Bình Dân,  GS. Cho Joo Young - người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong phẫu thuật nội soi qua đường miệng đến từ Hàn Quốc, đã trực tiếp phẫu thuật cho 2 bệnh nhân trên. Cả 2 cuộc mổ thị phạm được GS. Cho Joo Young thực hiện thành công giúp chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Việt Nam, mang lại hy vọng mới cho những người không may mắc bệnh lý co thắt tâm vị.

Vân Sơn