Nuốt chiếc nhẫn được tặng trong ngày Valentine bé gái phải cấp cứu

Vân Sơn

(Dân trí) - Thích thú với chiếc nhẫn được tặng, bé gái cầm chơi rồi bỏ vào miệng, cháu đã nuốt dị vật trong vô thức. Bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu vì chiếc nhẫn kẹt ở thực quản.

Nuốt chiếc nhẫn được tặng trong ngày Valentine bé gái phải cấp cứu - 1
Hình ảnh kiểm tra của bác sĩ cho thấy dị vật bị kẹt trong thực quản của bệnh nhân

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố ngày 14/2 cho biết, trưa cùng ngày bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị hóc dị vật rất nguy hiểm. Trước khi nhập viện bé V.Y.N. (10 tuổi, ngụ Bình Tân) được tặng một chiếc nhẫn cháu thích thú cầm chơi rồi ngậm vào miệng. Trong vô thức, bé đã nuốt chiếc nhẫn. 

Sau khi tai nạn xảy ra bé cố nôn ói nhưng không được. Bệnh nhi hoảng loạn nuốt nghẹn và khóc nấc liên tục. Ngay lập tức, gia đình đã chuyển bé vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi khai thác nhanh bệnh sử, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi cấp cứu lấy dị vật.

Nuốt chiếc nhẫn được tặng trong ngày Valentine bé gái phải cấp cứu - 2

Chiếc nhẫn nằm chắn ngay vị trí 1/3 trên thực quản khiến bé bị nghẹn và khóc nấc liên tục

Bác sĩ Lê Đức Lộc, khoa Tiêu hóa đã phối hợp cùng ê kíp gây mê đang trực Tết khẩn trương can thiệp cho bệnh nhi. Trên hình ảnh camera nội soi, bác sĩ phát hiện, dị vật là chiếc nhẫn nằm chắn ngay vị trí 1/3 trên thực quản. Chiếc nhẫn mắc kẹt ghim chặt niêm mạc khiến bé bị nghẹn và khóc nấc liên tục. 

Các bác sĩ đã thận trọng kiểm tra các mô mềm xung quanh đề phòng nguy cơ bệnh nhi bị chiếc nhẫn có nhiều họa tiết sắc nhọn đâm xuyên qua thực quản. Sau khi xác định vị trí chiếc nhẫn bị kẹt chưa gây ra những tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ đã nhẹ nhàng kéo dị vật ra ngoài giúp bệnh nhi thoát khỏi nguy cơ bị dị vật lọt vào đường tiêu hóa gây thủng hoặc tắc ruột. 

Nuốt chiếc nhẫn được tặng trong ngày Valentine bé gái phải cấp cứu - 3
Dị vật là chiếc nhẫn với nhiều góc cạnh sắc nhọn đã kẹt trong thực quản bệnh nhân được bác sĩ lấy ra ngoài

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, dịp Tết, các tai nạn hóc sặc có xu hướng tăng cao ở trẻ em vì các bé được người thân tặng cho nhiều món đồ chơi, trạng sức mới nên thường thích khám phá. Bên cạnh đó, các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương, bánh kẹo, trái cây… cũng có thể dẫn tới rủi ro vì các bé thường thích ăn nhưng chưa có phản xạ nhằn vỏ nên có nguy cơ bị hóc sặc. 

Bên cạnh khuyến cáo phụ huynh cần thường xuyên phải để mắt đến con trẻ, bác sĩ đề nghị mỗi phụ huynh cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về cấp cứu để kịp thời xử lý khi chẳng may trẻ nhỏ hoặc người nhà gặp những tình huống khẩn nguy cần hỗ trợ.