Nước giếng “làng sinh đôi” chữa… hiếm muộn?

Do chưa có nghiên cứu khoa học về “làng sinh đôi” ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, tỉnh Đồng Nai nên nhiều người tin rằng nguyên nhân là do nguồn nước và tìm đến đây lấy nước để chữa bệnh hiếm muộn.

Nước giếng “làng sinh đôi” chữa… hiếm muộn? - 1

Nước giếng ở nhà ông Trần Đình Danh được nhiều người xin về để chữa bệnh hiếm muộn

“Gần đây nhiều người hiếm muộn ở TPHCM, Đắk Lắk, Cần Thơ... tìm đến tận nhà tôi xin hàng chục can nước về uống vì tin rằng uống nước giếng ở đây sẽ sinh được con. Nghĩ cũng lạ, cả ấp chỉ có 474 hộ nhưng có đến gần 60 cặp song sinh. Chẳng biết có phải do nguồn nước hay không nhưng tôi uống nước nhiều nơi không thấy nơi nào nước có vị ngọt như nước giếng ở đây”, ông Trần Đình Danh, trưởng ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nói như vậy khi bơm nước giếng (sâu khoảng 14 m) vào can đưa cho chúng tôi.

 

Đã lấy mẫu nước xét nghiệm

 

Còn bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Danh, rạng rỡ khi gọi hai con Trần Duy Khang và Trần Trang Khang ra chào khách: “Vợ chồng tôi sinh một mạch bốn đứa con gái nên đến lần mang thai thứ năm tôi với ổng quyết định nếu sinh con gái tiếp thì cũng thôi, không sinh nữa. Không ngờ lại sinh được tới hai người con trai”.

 

Hai đứa con sinh đôi của vợ chồng ông Danh năm nay 12 tuổi, có phần cao to hơn những đứa trẻ cùng trang lứa và rất hiếu động. Ông Danh cho biết những cặp sinh đôi ở ấp đều lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Riêng trường hợp sinh ba (đều là con trai) có một cháu sau khi sinh khoảng 2 tháng bị bệnh chết, hai cháu còn lại cũng phát triển bình thường.

 

Trước năm 1975, tại ấp Hưng Hiệp cũng đã có một số cặp song sinh nhưng mãi đến khoảng năm 2002-2003 khi hiện tượng sinh đôi ở đây nhiều đến mức bất thường thì tên “làng sinh đôi” mới ra đời và được nhiều người biết đến. Điều kỳ lạ là cùng một ấp nhưng các gia đình có con song sinh chỉ tập trung phía bên phải Quốc lộ 1A hướng từ TPHCM về Đồng Nai.

 

Cũng theo ông Danh, hiện cặp song sinh nhiều tuổi nhất ở ấp Hưng Hiệp là bà Trương Hoàng Yến và bà Trương Bạch Mai đã ngoài 60 tuổi, còn cặp song sinh nhỏ nhất khoảng 5 - 6 tuổi. Phần đông cặp song sinh ở ấp Hưng Hiệp rơi vào độ tuổi từ 10 - 15, đều là song sinh cùng phái.

 

Theo bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư Chi hội ấp Hưng Hiệp, năm 2004 có một đoàn bác sĩ ở TPHCM xuống lấy mẫu nước để nghiên cứu, tuy nhiên từ đó đến nay không thấy đoàn bác sĩ này trở lại, cũng không nghe giải thích vì sao có quá nhiều trường hợp sinh đôi ở khu vực này.

 

Chưa có cơ sở khoa học

 

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đã tổ chức đưa các bác sĩ ở TPHCM về tìm hiểu “làng sinh đôi” ở ấp Hưng Hiệp vào năm 2004, nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi đã khám phụ khoa cho khoảng 300 - 400 phụ nữ đang mang thai và cả không mang thai ở ấp Hưng Hiệp nhưng thấy cơ địa của họ không có gì lạ so với những người bình thường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rất kỳ lạ là trong  một gia đình, cả mẹ và con gái đều cùng có thai song sinh”.

 

Về thông tin nguồn nước ở làng sinh đôi có thể chữa được bệnh hiếm muộn, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: “Chúng tôi đã lấy nước ở khu vực có nhiều cặp song sinh về xét nghiệm nhưng chưa phát hiện được gì bất thường. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi cũng chỉ mới xét nghiệm một vài chỉ tiêu trong nước nên cũng chưa thể bác bỏ giả thuyết này”.

 

Theo GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nếu muốn làm rõ nguyên nhân vì sao có nhiều người song sinh, cần phải tiến hành lấy nhiều mẫu nước ở ấp Hưng Hiệp để xét nghiệm lại với nhiều chỉ tiêu hơn. Sau đó so sánh các mẫu nước giếng ở các độ sâu khác nhau. Ngoài ra, cũng cần điều tra về nguồn thức ăn xem có mối liên hệ nào với tình trạng song sinh hay không.

 

“Theo nhận định của tôi, nguyên nhân song sinh có thể là do di truyền. Song để đưa ra kết luận cần phải điều tra lại gia phả tất cả các gia đình có con sinh đôi ”, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói.

 

Theo Trung Thanh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm