1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hải Phòng

Nữ hành khách từ chối theo dõi sức khoẻ không ho sốt, cần tự theo dõi 14 ngày

(Dân trí) - Thông tin từ ngành Y tế Hải Phòng cho biết, sau khi kiểm tra tình trạng sức khoẻ nữ hành khách từ chối giám sát sức khoẻ cho thấy bệnh nhân không sốt, không ho. Tuy nhiên ngành y tế đã tư vấn, hướng dẫn bà T. cùng gia đình tiêp tục theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày.

Ngành Y tế Hải Phòng cũng cho biết, kết quả của hai mẹ con trên cùng chuyến bay với hành khách từ chối giám sát sức khoẻ cũng đã cho âm tính với virus Corona với người mẹ. Riêng con trai là bé V.T.B. sẽ có kết quả vào ngày 1/2.

Trước đó vào lúc hơn 21h, ngày 29/1, chị chị V.T.T.T. trong khi chờ lên chuyến bay VJ 286 xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi Hải Phòng (cất cánh lúc 0h30 và hạ cánh lúc 2h30 ngày 30/1) thấy ngứa họng, khó thở nhẹ, sốt nhưng không ho, không hắt hơi, sổ mũi.

Về con trai chị T., cháu B. khoảng 22h20 cũng xuất hiện sốt nhẹ, mệt, quấy khóc , môi tím.

Khám tại sân bay Cát Bi chị T. có nhiệt độ 37,7 độ C, không ho, không khó thở còn cảm giác khô cổ khó chịu. Hội chứng nhiễm trùng không rõ. Còn cháu B., nhiệt độ 36,7 độ, trẻ ngủ, môi hồng, hội chứng nhiễm trùng không rõ.

Khai thác tiền sử bệnh cho thấy, ngày 5/1/2019, chị T xuất cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đi Nam Ninh (Trung Quốc) bằng xe ô tô, sau đó đi Sơn Đông (Trung Quốc) bằng máy bay. Tại Sơn Đông, chị T. ở nhà cùng gia đình là người Trung Quốc. Sau đó tiếp tục đi Quảng Châu và đi máy bay  về TP.HCM vào ngày 18/1/2020.

Tại Hà Tĩnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh công bố, bệnh nhân Trương Thế S. được cách ly điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh không nhiễm virus Corona mà chỉ bị cúm H1N1.

Trước đó ngày 29/1, BVĐK Hà Tĩnh tiếp nhận bệnh nhân Trương Thế S. (xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh) với triệu chứng sốt. Sau khi khám, làm các kết quả cận lâm sàng như: Xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, chụp XQ tim phổi… các bác sỹ chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân.

Qua điều tra, do ngày 19/1/2020 (tức ngày 25/12 Âm lịch) bệnh nhân S. có đi từ Quảng Tây (Trung Quốc) về Việt Nam, cho nên dù ở xa vùng dịch nhưng khi nhập viện điều trị, với tinh thần cảnh giác cao, Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK Hà Tĩnh tiến hành cách ly bệnh nhân và theo dõi tại Khoa Bệnh nhiệt đới theo quy định của Bộ Y tế.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân S. chỉ bị cúm H1N1.

Kiên Giang: 2 ca âm tính với virus corona

Sở Y tế Kiên Giang cho 2 ca từ Trung Quốc về nước, trong đó có 01 ca từ Vũ Hán đều cho kết quả âm tính với virus corona.

Ông Nguyễn Thành Nam – Trưởng Phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế Kiên Giang cho biết cả hai trường hợp này đều đã xuất viện.

Tại cuộc họp, ông Nam cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế Kiên Giang sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh để xử lý kịp thời khi có ca nhiễm bệnh xảy ra. 

Nữ hành khách từ chối theo dõi sức khoẻ không ho sốt, cần tự theo dõi 14 ngày - 1

Ở nhiều tỉnh miền Tây người dân đã bắt đầu mua khẩu trang phòng chống bệnh, tuy nhiên giá cả mặc hàng này chỉ tăng nhẹ từ 10 - 20%

Mặt khác, các cơ sở y tế đang kiểm kê và đề xuất mua thêm một số trang thiết bị cần thiết như: máy thở, máy đo thân nhiệt, đồ bảo hộ… Riêng khu vực các bến tàu ra vào Phú Quốc, chưa triển khai máy đo thân nhiệt, chỉ tập trung vào việc tuyên truyền cho người dân đeo khẩu trang.

Tại Quảng Bình, nhằm đối phó với dịch virus Corona, ngành y tế đã tành lập Tổ phản ứng nhanh nhanh.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ phản ứng nhanh để ứng phó và phòng chống sự xâm nhập, lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ công nhân viên chức bệnh viện hiểu biết về cách phát hiện, phòng chống, khoanh vùng và xử lý ổ dịch hiệu quả.

Xây dựng các phương án thu dung, phân loại, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị khi phát hiện có người mắc corona, bảo đảm các hoạt động của bệnh viện trong trường hợp dịch bùng phát lớn, nhằm giảm thiệt hại về người do bệnh dịch.

Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, xử trí cấp cứu, điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm cho bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện và các bệnh viện huyện.

Tại Cà Mau, tỉnh này vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Theo đó, Ban chỉ đạo do ông Trần Hồng Quân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Công an làm Phó trưởng ban; thành viên của Ban chỉ đạo gồm đại diện 16 cơ quan ban, ngành trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo thành lập các Tổ kiểm tra, để kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh, xác định các đối tượng là người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, người đến từ các vùng có dịch; phối hợp các địa phương rà soát lại toàn bộ các trường hợp người Việt Nam từ các vùng có dịch đến địa bàn tỉnh Cà Mau từ đầu năm 2020 đến nay (nhất là người đi học tập, lao động, tham quan, du lịch hoặc kết hôn với công dân Trung Quốc).

Nữ hành khách từ chối theo dõi sức khoẻ không ho sốt, cần tự theo dõi 14 ngày - 2

Tỉnh Sóc Trăng họp bàn kế hoạch phòng, chống dịch dịch bệnh do virus Corona gây ra.

Tại tỉnh Sóc Trăng, chiều ngày 31/1, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để bàn kế hoạch đối phó dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.  

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Khải- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết tới thời điểm này tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm virus Corona.

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh thông tin đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch; có phòng cách ly đặt tại Khoa Nhiễm; có phòng khám cách ly đối với những bệnh nhân nghi ngờ có bệnh; bố trí, sẵn sàng điều động nhân lực, trang thiết bị cho phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã cung cấp danh sách những người Trung Quốc nhập cảnh vào tỉnh cho ngành Y tế để nơi đây có biện pháp theo dõi, kiểm tra, quản lý tốt các đối tượng.

Ban chỉ đạo 389 của tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh trang thiết bị, vật tư, thuốc men; ngăn chặn tình trạng trục lợi bằng nâng giá các loại thuốc men, khẩu trang.

Ngành Công an tăng cường kiểm tra, nắm chặt đối tượng người nước ngoài, Việt kiều xuất, nhập cảnh ra vào tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể đều phải vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Tại tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch tỉnh này yêu cầu các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, bị động; không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch bệnh gây ra.

Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thực hiện việc khử trùng, tẩy độc tại các điểm đến của tỉnh, đặc biệt là bến xe, bến tàu, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào địa phương; có kịch bản sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Nữ hành khách từ chối theo dõi sức khoẻ không ho sốt, cần tự theo dõi 14 ngày - 3

Tỉnh Sóc Trăng họp bàn kế hoạch phòng, chống dịch dịch bệnh do virus Corona gây ra.

Nhóm phóng viên