Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2

(Dân trí) - “Sức khỏe tôi cứ thế yếu dần, toàn thân rã rời, nhưng trên tất cả chính là cảm giác khó thở, tôi như cá mắc cạn, mọi sức lực của tôi khi đó chỉ dành cho việc thở”, nữ điều dưỡng nhớ lại.

Chiều 20/3, Bộ Y tế công bố 2 ca mắc Covid-19 thứ 86 và 87 tại Việt Nam, đó là 2 nữ điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đáng chú ý đây cũng là những nhân viên y tế đầu tiên ở nước ta nhiễm dịch bệnh này.

Sau hai ngày được công bố khỏi bệnh, nữ điều dưỡng, bệnh nhân Covid-19 thứ 87 mới "hoàn hồn" kể lại "cuộc chiến" với SARS-CoV-2.

Chuyến xe cấp cứu lúc 1 giờ sáng

Sáng 18/3, như bao ngày thứ 4 khác, điều dưỡng Đ.T.H. đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nơi cô làm việc) từ sớm; cẩn thận mang phương tiện phòng hộ cá nhân và lên dây cót cho một ngày làm việc bận rộn.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 1

Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, những tín hiệu đầu tiên báo động sự hiện diện của một kẻ thù tí hon, ẩn sâu bên trong cơ thể của nữ điều dưỡng này bắt đầu xuất hiện. “Khoảng 8 giờ, tôi bắt đầu cảm thấy những triệu chứng bất thường như ho, mệt mỏi, đau nhức quanh hốc mắt. Càng về sau cường độ cứ thế tăng dần, còn đầu tôi thì choáng váng”, điều dưỡng H. chia sẻ.

Là một điều dưỡng chuyên làm nhiệm vụ tiếp đón bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại khu cách ly, hơn ai hết cô luôn ý thức được rủi ro bị lây nhiễm cao của nhiệm vụ mà mình đang thực hiện hàng ngày, dù đã được trang bị đồ bảo hộ từ đầu đến chân, cũng chính vì vậy mà cô biết rằng, tuyệt đối không được “ngó lơ” những triệu chứng mà mình đang gặp phải.

Ngay sau đó, H. chủ động báo cáo tình trạng của bản thân với lãnh đạo, đồng thời xin được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 sớm. Thông tin về diễn biến bất thường cũng được cô gọi điện báo cho chồng để cả nhà chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất.

Đúng như dự cảm không lành của mình, khoảng 20h tối cùng ngày, điều dưỡng H. bần thần nhận tin dữ: Mẫu bệnh phẩm của cô được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) trả về kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 2

1 giờ sáng, xe cấp cứu đã đến trước cửa nhà, cũng từ đây nữ điều dưỡng 34 tuổi này chính thức bước vào một cuộc chiến dài hơi với virus SARS-CoV-2.

Cũng như các chiến binh áo trắng thường trực trên tuyến đầu chống dịch khác, cô luôn sẵn sàng tâm lý mình có thể bị lây nhiễm Covid-19 bất kì lúc nào. Tuy nhiên, khi nghe được kết quả xét nghiệm, trong đầu cô lại nặng trĩu một nỗi lo khác. “Các đồng nghiệp ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới có bị lây nhiễm từ mình hay không?”; “Gia đình mình sẽ thế nào?”, nữ điều dưỡng tự vấn bản thân, và những câu hỏi này cũng trở thành thứ áp lực đè nặng tâm lý của cô trong nhiều ngày sau.

Mặc dù vẫn cần đến kết quả xét nghiệm lần 2, được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện, thì mới có thể kết luận: “Điều dưỡng H. có mắc Covid-19 hay không?”, nhưng ngay trong đêm hôm đó, lực lượng chống dịch của CDC Hà Nội đã tức tốc có mặt tại nhà nữ điều dưỡng này để phun khử khuẩn, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ 12 thành viên còn lại trong gia đình cô.

1 giờ sáng, xe cấp cứu đã đến trước cửa nhà, cũng từ đây nữ điều dưỡng 34 tuổi này chính thức bước vào một cuộc chiến dài hơi với virus SARS-CoV-2.

"Tôi như cá mắc cạn, mọi sức lực dường như chỉ dành cho việc thở"!

1 ngày sau khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trả về kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu bệnh phẩm của điều dưỡng H., trùng khớp với CDC Hà Nội, Bộ Y tế chính thức công bố cô là ca mắc Covid-19 thứ 87 của Việt Nam. Khoảng thời gian này cũng là lúc bệnh tình của H. trở nặng, khiến các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương buộc phải chuyển cô xuống khoa Cấp cứu.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 3

Cứ mỗi lần nhớ lại những trải nghiệm đáng sợ, trong giai đoạn hiểm nghèo này, điều dưỡng H. lại bật khóc: “Sức khỏe tôi cứ thế yếu dần, toàn thân rã rời, nhưng trên tất cả chính là cảm giác khó thở, tôi như cá mắc cạn, mọi sức lực của tôi khi đó chỉ dành cho việc thở”.

Thứ chữa lành bệnh cho tôi không chỉ là những phác đồ điều trị

Gần 10 ngày nằm tại khoa cấp cứu thì có đến 5 ngày, nữ điều dưỡng này như ngất lịm. Tuy nhiên, chính trong những thời khắc khó khăn nhất, cũng là lúc cô cảm nhận trọn vẹn nhất tình yêu thương mọi người dành cho mình.

“Không chỉ là những phác đồ điều trị, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương còn thường xuyên thăm hỏi tình hình sức khỏe; thấu hiểu những băn khoăn của tôi, để kịp thời trấn an; tận tình bón cháo, đút sữa cho tôi và các bệnh nhân nặng… đó là những hình ảnh khiến tôi thực sự xúc động và sẽ không thể nào quên được” – Điều dưỡng H. bùi ngùi chia sẻ.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 4

Nữ điều dưỡng trong thời gian điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã nhận được quan tâm, chăm sóc của các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Ngay cạnh bên là các y, bác sĩ tận tâm - tận tình, thì từ phương xa cô lại được đón nhận một nguồn cổ vũ to lớn khác, đó là gia đình, các đồng nghiệp tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới và thậm chí là cả các bệnh nhân của cô.

H. kể: “Từ khi nhập viện, không ngày nào là tôi không nhận được các tin nhắn, cuộc gọi động viên từ mọi người. Cảm xúc thật đặc biệt khi những bệnh nhân, mà mình từng chăm sóc, lại dùng chính cách mà tôi từng động viên, an ủi họ để tiếp thêm động lực cho tôi. Những khoảnh khắc này khiến tôi trộm nghĩ: Làm nghề y cũng đáng lắm chứ!”.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 5

Sự động viên từ mọi người là “liều thuốc tinh thần” vô giá giúp điều dưỡng Huyền có thêm nghị lực để chiến thắng virus SARS-CoV-2.

Theo nữ điều dưỡng này, trong quãng thời gian khó khăn nhất, chính sự động viên từ mọi người là “liều thuốc tinh thần” vô giá giúp cô giải tỏa sự âu lo, đồng thời có thêm nghị lực để chiến thắng virus SARS-CoV-2.

Tôi muốn được tiếp tục chống dịch sau khi ra viện

 “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Ngày 30/3, sức khỏe của điều dưỡng H. đã hồi phục tốt và được chuyển sang khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp. Kể từ thời điểm này, những tin vui liên tục đến với cô. Như nữ điều dưỡng này thuật lại, đã 2 lần Huyền vỡ òa trong niềm hạnh phúc, đó là khi biết được tất cả các đồng nghiệp từng tiếp xúc với mình đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, và lần tiếp theo là khi nhận được chính kết quả âm tính của mình.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 6

Điều dưỡng Huyền cùng các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hân hoan trong buổi lễ công bố khỏi bệnh.

“Ngày 7/4, tôi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, lúc đó tôi cảm thấy rất vui, mọi hy vọng của mình như được nhân lên rất nhiều lần, bởi tôi biết rằng nếu đã có kết quả xét nghiệm âm tính thì khoảng thời gian đến lúc được ra viện sẽ gần hơn rất nhiều”, cô nhớ lại.

Ngày 10/4, điều dưỡng Huyền nhận được kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2. Chỉ 4 ngày sau, cô hân hoan trong buổi lễ công bố khỏi bệnh Covid-19, cùng với 16 bệnh nhân khác đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 kể về cuộc chiến khó quên với virus SARS-CoV-2 - 7

Những giọt nước mắt hạnh phúc khi khi nữ điều dưỡng được công bố khỏi bệnh.

Đứng trước tiền sảnh Bệnh viện, nữ điều dưỡng này không giấu nổi những giọt nước mắt xúc động, khi đã đến được thời này sau một hành trình đầy khó khăn: “Đến được ngày hôm nay, được đứng ở đây cùng với mọi người và nhìn ngắm bầu trời đối với tôi là một niềm hạnh phúc to lớn, nó khiến tôi như quên đi những thời khắc khó khăn mà mình đã trải qua”.

Nữ điều dưỡng mắc Covid-19: Tôi muốn được tiếp tục chống dịch khi ra viện

Khi được hỏi về mong muốn của bản thân sau khi được ra viện, điều dưỡng H, khẳng định: “Khi mình đã hoàn toàn khỏi bệnh và không gây nguy hiểm cho mọi người, tôi muốn được trở lại với công việc sớm nhất có thể, để cùng góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước, bởi tôi luôn tự hào khi mình được đứng trong lực lượng ngành y”.

Minh Nhật