Nữ bệnh nhân "ho muốn nổ phổi" vì mảnh xương gà bỏ quên
(Dân trí) - Trong lúc ăn cháo hơn 2 năm trước, nữ bệnh nhân bất ngờ bị ho sặc, cảm giác nuốt vướng. Gần đây, bệnh nhân ho nhiều, đau tức ngực, đến bệnh viện bác sĩ phát hiện mảnh xương gà nằm trong phổi.
Ngày 31/12, TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận, điều trị cho một trường hợp bị dị vật đường thở bỏ quên rất nguy hiểm. Nữ bệnh nhân là bà L.T.H. (62 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng ho dữ dội kèm theo đau tức ngực.
Thông tin từ người bệnh cho biết, khoảng 2 năm trước, trong lúc ăn cháo gà, khi nuốt vào bà có cảm giác vướng ở cổ. "Tôi hốt hoảng khạc ra nhưng không được, cảm nhận thấy dị vật như bị nhảy sang đường thở. Tôi cố gắng khạc cả giờ sau cũng không ra nhưng sau đó không còn thấy cảm giác nuốt vướng nên tôi không còn để ý đến", bệnh nhân kể lại.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng sau bệnh nhân bị ho nhiều, đến phòng khám tư sau khi chụp phổi bác sĩ nói không có vấn đề gì và kê toa cho uống kháng sinh. Tình trạng ho chỉ giảm vài ngày khi uống thuốc nhưng sau đó lại bùng lên, những cơn ho diễn ra liên tục. Bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán có vết sẹo ở phổi, hen suyễn, viêm phổi… nhưng điều trị không thuyên giảm.
Bế tắc, bà chuyển sang điều trị bằng các phương pháp đông y. Sau khi uống vài liệu trình, tình trạng ho có giảm. Tuy nhiên, đợt gần đây bà thấy ho dữ dội có cảm giác như muốn nổ phổi, chuẩn bị chết.
Bà được con đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Tai Mũi Họng. Sau thăm khám, khai thác bệnh sử, bác sĩ chụp CT-Scan thì phát hiện trong phế quản bên trái của người bệnh có dị vật cản quang. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nội soi cấp cứu.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp cho biết: "Đây là một trường hợp rất khó, nữ bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, đang ăn tự nhiên ho sặc sụa là dấu hiệu quan trọng của hóc sặc dị vật. Tuy nhiên vì thời gian xảy ra quá lâu nên việc chẩn đoán dị vật ở vị trí phế quản gặp nhiều khó khăn, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. May mắn dị vật chưa gây bít tắc phổi hoàn toàn nên chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng".
Bằng phương pháp nội soi ống cứng, các bác sĩ đã tiếp cận thành công vị trí dị vật và gắp ra ngoài mảnh xương gà 1,5cm "bỏ quên" suốt 2 năm trong gốc phế quản bên trái. Ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân giảm triệu chứng rõ rệt, sức khỏe nhanh chóng bình phục. CT-Scan ngực kiểm tra sau mổ không còn phát hiện dị vật bỏ sót.
TS.BS Lê Trần Quang Minh cho biết, trong khoảng 5 năm qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 22 trường hợp dị vật đường thở "bỏ quên". Đây là tai nạn xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, những trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Nguy cơ tổn thương phổi và biến chứng sẽ tăng lên với thời gian dị vật còn trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị lấy dị vật và giúp đường thở thông thoáng trở lại kịp thời thì khả năng có thể xảy ra viêm phổi, áp xe phổi, xẹp thùy phổi, tràn khí màng phổi.
Để tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng trong lúc ăn uống cần nhai nuốt chậm, không nói chuyện, cười đùa khi ăn, cần loại bỏ xương, các loại hạt trái cây trước khi ăn, không cho trẻ nhỏ chơi những món đồ có thể bỏ vừa miệng… Đặc biệt dịp Tết Nguyên Đán các gia đình thường sử dụng nhiều loại hạt để ăn uống và tiếp khách, do đó cộng đồng cần đặc biệt lưu ý vì đây có thể là tai họa khôn lường cho cả người lớn và trẻ em. Trường hợp không may bị hóc sặc dị vật cần đến gặp bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán can thiệp sớm, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.