Nữ bác sĩ hơn 100 lần "đeo kính lặn" vào vùng cấm giải cứu thai nhi

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhận kết quả chẩn đoán bị thiểu ối, cùng lời khuyên đình chỉ thai kì, vì thai nhi còn quá nhỏ chưa thể can thiệp, người sản phụ trẻ bật khóc, ngã quỵ.

Ở phía đối diện, nữ bác sĩ sản khoa nuốt nghẹn, lòng nặng trĩu, bởi một lần nữa chị cảm thấy sự bất lực của bản thân trước những giới hạn của y học.

Đó là ký ức khó quên trong những năm đầu làm việc tại phòng Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (nay là Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh) của BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm.

Nỗi ám ảnh của những bác sĩ sản khoa

BS Sim mở đầu câu chuyện: "Đối với những bác sĩ sản khoa mới ra trường, nơi đây được xem là nỗi ám ảnh. Bởi theo chuyên khoa sản, ai cũng mong muốn được đỡ những em bé tròn trịa, xinh xắn và nhìn thấy những gia đình vỡ òa hạnh phúc. Tuy nhiên, khi làm về chẩn đoán trước sinh, sẽ có những lúc chúng tôi phải chứng kiến thái cực hoàn toàn ngược lại".

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 1

BSCKI Nguyễn Thị Sim tư vấn trước sinh cho một cặp vợ chồng.

"Đó là nỗi đau tột cùng của sản phụ và gia đình, khi thai nhi đang mang trong bụng không may mắn bị dị tật về hình thái hoặc bất thường về di truyền; đó còn là sự đấu tranh tâm lý rất dữ dội của người mẹ để có thể đi đến quyết định em bé có được sinh ra trên đời nữa hay không", nữ bác sĩ hạ giọng.

Mỗi thai nhi xấu số lại là một nỗi trăn trở của các bác sĩ sản khoa. Làm sao để vượt qua các giới hạn, "cãi số trời" giúp các bé chiến thắng nghịch cảnh hết sức hiểm nghèo để chào đời khỏe mạnh, cũng đã trở thành mục tiêu chung của BS Sim và các đồng nghiệp.

Dùng khoa học để... "cãi số trời"

Chỉ cách đây vài năm, truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, thiểu ối,… là những tai biến sản khoa khiến không chỉ các sản phụ mà cả các bác sĩ phải rùng mình. Bởi khả năng can thiệp để cứu thai nhi là rất hạn chế. Trong trường hợp "thuận theo tự nhiên", tỷ lệ sống của thai nhi chỉ ở mức 10%. Với những trường hợp này, kết quả cuối cùng thường sẽ là đình chỉ thai kì.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 2

Theo BS Sim chỉ cách đây vài năm truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, thiểu ối,… là những tai biến sản khoa khiến không chỉ các sản phụ mà cả các bác sĩ phải rùng mình.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học, y học cũng liên tục phá vỡ những giới hạn đã được định hình từ trước đó hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Những bệnh lý từng là vô phương cứu chữa cũng đã dần có lời giải.

"Xưa kia mọi người đều nghĩ rằng, bào thai là vùng bất khả xâm phạm, vì người ta chưa có những giải thích rõ ràng về bánh rau, dây rốn, túi ối hoặc các hội chứng bệnh lý. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã giúp làm sáng tỏ hầu hết các cơ chế bệnh sinh của em bé nằm trong bụng mẹ. Đặt nền móng cho các kỹ thuật can thiệp bào thai", BS Sim phân tích.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 3

BS Sim thăm khám cho một sản phụ.

Can thiệp bào thai là kỹ thuật khó nhất trong sản khoa ở thời điểm hiện tai. Tuy nhiên, đây lại là "chìa khóa" để cứu sống rất nhiều thai nhi đang phải đối mặt với những tai biến thai kì nguy hiểm.

Do đó, từ năm 2014, trực tiếp PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng các bác sĩ của Bệnh viện đã đi tham dự các cuộc hội thảo về y học bào thai ở nhiều nước, để từng bước tiếp cận với kỹ thuật này.

"Ngay từ cuộc hội thảo đầu tiên về y học bào thai mà mình may mắn được tham gia, tôi đã rất ngỡ ngàng với những kiến thức được chuyên gia quốc tế trình bày. Những điều lâu nay tưởng chừng như là bất khả thi thì người ta đều đã có cách giải quyết", chị nhớ lại.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 4

PGS Ánh và BS Sim trong một ca mổ can thiệp bào thai.

Phương pháp điều trị đã có nhưng làm sao để đưa về triển khai ngay tại Việt Nam? Theo BS Sim, đó là một hành trình rất dài chuẩn bị cả về nhân sự và trang thiết bị.

Năm 2017, Bệnh viện bắt đầu gửi nhân sự đi học tập ở nơi có kỹ thuật y học bào thai phát triển nhất tại châu Âu là Pháp. Và người thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc cho họ không ai khác chính là GS Yves Ville, chuyên gia hàng đầu về can thiệp bào thai.

BS Sim nhớ lại: "Để có thể hoàn thành khóa học Ứng dụng laser quang đông để điều trị hội chứng truyền máu song thai tại Pháp, phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn từ phía Bệnh viện và bên cạnh đó là những người thân trong gia đình. Bởi lúc tôi lên đường, 2 con vẫn còn nhỏ, nên trong suốt 1 năm trời, ông bà đã phải "khóa cửa nhà" lên trông cháu".

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 5

Phương pháp điều trị đã có nhưng làm sao để đưa về triển khai ngay tại Việt Nam là trăn trở của lãnh đạo cũng như các bác sĩ của Bệnh viện ngày đó.

Mang kiến thức được truyền dạy trở về nước, các bác sĩ tiếp tục hoàn thiện quy trình khám, chẩn đoán và điều trị cho phù hợp với người bệnh Việt Nam. Đồng thời, Bệnh viện cũng tiến hành thiết lập phòng mổ phục vụ can thiệp bào thai đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 6/2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được hội đồng Bộ khoa học công nghệ quốc gia phê duyệt quy trình kỹ thuật can thiệp bào thai. Chỉ 1 năm sau, ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên đã được thực hiện tại cơ sở y tế này.

Vào vùng bất khả xâm phạm "giải cứu" thai nhi

Nhiều đêm liền trước ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, BS Sim khó lòng chợp mắt vì lo lắng. Trong đầu chị lúc này không chỉ là những tính toán cho ca phẫu thuật quan trọng sắp tới, mà còn là hình ảnh người sản phụ trẻ tha thiết muốn cứu sống 2 đứa con mình đang mang trong bụng.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 6

Trước ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên, BS Sim lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

"Bệnh nhân đầu tiên là một giáo viên mắc hội chứng truyền máu song thai. Tôi còn nhớ như in ngày gặp bệnh nhân trước ca mổ. Sản phụ trẻ nấc nghẹn gửi gắm sự sống của 2 con cho chúng tôi, bởi cô ấy biết đây chính là cơ hội cuối cùng" BS Sim tâm sự.

Giải thích rõ hơn về tình trạng truyền máu song thai, theo BS Sim, 2 bé song sinh của bệnh nhân đều chung một bánh rau. Một bé cứ cho máu sang dây rốn bên kia nên càng ngày càng nhỏ và sức sống rất kém. Bé còn lại bị truyền máu nhiều quá cũng sẽ dẫn đến suy tim.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 7

Ca mổ can thiệp bào thai đầu tiên với sự hướng dẫn của GS Yves ville.

Với những trường hợp truyền máu song thai, nếu không can thiệp như trước đây, thì 90% các em bé sẽ tử vong.

Sau khi tiến hành hội chẩn, ngày 4/10/2019, cuộc "giải cứu" cặp song sinh bị truyền máu song thai được tiến hành.  PGS Ánh, BS Sim cùng ê-kíp trực tiếp thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ đặc biệt của GS Yves Ville bay từ Pháp sang.

Nhiệm vụ được đặt ra là làm đông đường truyền dây rốn từ mạch máu của thai bên này sang thai bên kia. Như vậy, 2 em bé sẽ có 2 "vùng đất riêng", thiết lập lại sự cân bằng về dinh dưỡng và các thai nhi có điều kiện để phát triển bình thường trở lại.

Để làm được điều này, các bác sĩ phải sử dụng 1 thiết bị đặc biệt để đưa được camera siêu nhỏ vào trong buồng ối, nhằm truy tìm mạch máu trong bánh rau cần can thiệp. Sau đó, tiếp tục đưa sợi laser vào và dùng tia laser làm đông được các cầu nối trong bánh rau và cuối cùng rút các dụng cụ ấy ra.

Bình thường khi mổ mở, có thể quan sát trực tiếp các tổn thương bằng mắt thường để làm được các điều trên đã là rất khó. Trong trường hợp này phải mổ nội soi thì lại càng khó hơn.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 8

Mắt nhìn màn hình siêu âm, mắt nhìn màn hình nội soi để dò tìm từng mạch máu, tay thao tác dụng cụ, chân căn ke để dùng bàn đạp laser một cách chính xác là hình ảnh của một bác sĩ can thiệp bào thai xuyên suốt ca mổ.

BS Sim cho hay: "Khi ống nội soi xuyên vào buồng ối, các bác sĩ như đeo kính lặn để phẫu thuật, vì tầm nhìn trong môi trường chất lỏng bị hạn chế hơn rất nhiều. Hơn nữa lúc đó thai nhi vẫn còn đạp và sinh hoạt trong buồng ối. Do đó, phải di chuyển các dụng cụ khéo léo để thai nhi không bị tổn thương".

Mắt nhìn màn hình siêu âm, mắt nhìn màn hình nội soi để dò tìm từng mạch máu, tay thao tác dụng cụ, chân căn ke để dùng bàn đạp laser một cách chính xác là hình ảnh của một bác sĩ can thiệp bào thai xuyên suốt ca mổ.

Bác sĩ can thiệp bào thai là nhân tố chính, nhưng để ca mổ thành công cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa khác.

"Bệnh nhân của chúng tôi là các bào thai rất mong manh và dễ bị ảnh hưởng. Toàn bộ các thao tác phải đảm bảo vô khuẩn. Do đó, kỹ thuật này đòi hỏi rất cao về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, phải kể đến tầm quan trọng của lực lượng gây mê hồi sức trong quá trình mổ và khoa Sản bệnh xuyên suốt quá trình chăm sóc hậu phẫu của sản phụ và thai nhi", BS Sim phân tích.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần "đeo kính lặn" vào vùng cấm giải cứu thai nhi

Sau 60 phút cân não, ca phẫu thuật can thiệp bào thai đầu tiên khép lại. BS Sim và và các đồng nghiệp hoàn thành tất cả các mục tiêu được đặt ra ban đầu. Tuy nhiên, phải 3 ngày sau, khi sản phụ và thai nhi duy trì được sự khỏe ổn định và được ra viện, ê-kíp mới có thể khẳng định ca mổ thành công và thở phào nhẹ nhõm.

Khoe bức hình chụp cùng bệnh nhân "đầu tiên" trong điện thoại, BS Sim cười nói: "Khi được xem những hình ảnh siêu âm thấy thai nhi đã phát triển bình thường thường sau ca mổ, sản phụ đã thốt lên rằng "em không ngờ điều kì diệu này lại xảy ra với gia đình em". Lúc đấy, chính chúng tôi cũng vỡ òa trong niềm vui của bệnh nhân và gia đình".

Động lực đặc biệt của bác sĩ sản khoa

Kể từ ca mổ đầu tiên, đến nay BS Sim cùng các đồng nghiệp đã hơn 100 lần hành trình vào bên trong buồng ối, để "giải cứu" cho các bào thai, với tỷ lệ thành công lên đến 90%. Không chỉ truyền máu song thai, mà nhiều tai biến thai kì nguy hiểm khác như dải xơ buồng ối hay thiểu ối cũng được can thiệp thành công nhờ kỹ thuật này.

Nữ bác sĩ hơn 100 lần đeo kính lặn vào vùng cấm giải cứu thai nhi - 9

Các gia đình không còn chịu nỗi đau mất con là động lực lớn đối với BS Sim và các đồng nghiệp.

BS Sim cho biết, vẫn còn nhiều kỹ thuật can thiệp bào thai tiên tiến khác mà Bệnh viện đã lên kế hoạch tiếp cận, đặc biệt là kỹ thuật can thiệp trực tiếp vào các tạng của thai nhi, để điều trị bệnh lý về tim, phổi, thận mà em bé đang mắc phải ngay từ trong bụng mẹ.

"Giúp các gia đình không còn chịu nỗi đau mất con vì tai biến sản khoa, đó là trách nhiệm và cũng chính là nguồn động lực to lớn nhất để những bác sĩ Sản khoa như chúng tôi tiếp bước", chị nói.