Nỗi khốn khổ của chàng trai 20 năm không há được miệng
(Dân trí) - Sau một cú ngã từ trên cây khi còn nhỏ, Đ.K.C (30 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) ngày càng khó há mở miệng. Dần dần, hai hàm răng dính chặt không thể mở miệng khiến anh phải “làm bạn” với cháo, sữa gần 20 năm nay.
Ao ước được bỏ cháo…
Trước đó, năm 13 tuổi anh C trèo cây và bị ngã, chấn thương vùng hàm mặt. Một thời gian sau cú ngã đó, anh dần khó há miệng, há miệng cứ nhỏ dần, nhỏ dần đến lúc không thể há được miệng, hai hàm răng dính chặt. Từ đó, thức ăn của anh được đổi thành cháo, sữa, thực phẩm say nhuyễn. Không những thế, gương mặt của anh C dần thay đổi bởi xương hàm dưới kém phát triển, khiến vùng cằm nhọn như mỏ con chim (khuôn mặt mỏ chim).
“Thời gian đầu khi mới không há khép được miệng, em soi gương thấy gương mặt mình dần biến đổi. Nhưng cũng không đau đớn, gia đình lại khó khăn nên không nghĩ đến chuyện đi khám. Thời gian gần đây, được mọi người mách một trường hợp giống hệt em đã được chữa khỏi chỉ sau một cuộc phẫu thuật, em bàn với gia đình cho đi chữa. Chứ cứ để này, ăn cháo đến hết đời sao nổi. Hơn nữa, hàm khít như này, nói cứ phải rít qua kẽ răng, khó chịu, mặc cảm lắm”, anh C nói.
“Giải cứu” hàm khít và khuôn mặt mỏ chim
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt (BV Việt Nam – Cu Ba), bệnh nhân C bị chứng khít hàm sau chấn thương. Cú ngã trèo cây khiến bệnh nhân bị gãy lồi cầu hai bên nhưng do không được xử lý ngay thời điểm đó khiến xương can xơ lại, phần khớp thái dương hàm bị dính chặt khiến bệnh nhân không thể há mở miệng.
Bác sĩ Thái cho biết, sau 1 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh và đã há miệng được 3,5cm. Dự kiến, sau 1 – 2 tuần nữa, bệnh nhân này sẽ được tập phục hồi chức năng tại bệnh viện để tập há, ngậm miệng bởi thời gian quá lâu khiến bệnh nhân đã mất phản xạ này. Sau khi ổn định, có thể các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lần 2 làm rộng xương hàm dưới ra để cho khuôn mặt cân đối trở lại bình thường.
Theo bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt, khít hàm có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân hay gặp nhất là những bệnh nhân có áp xe do biến chứng của răng khôn. Bệnh nhân đến khít hàm do nguyên nhân này, chỉ cần xử lý vùng áp xe, dùng kháng sinh, nhổ răng khôn khi khỏi là bệnh nhân há miệng tốt. Còn với nguyên nhân do chấn thương thì phải xử lý sớm, càng để lâu, can xương xơ cứng lại càng khó can thiệp. Ngoài ra, cũng có một số bệnh lý (khối u vùng hàm mặt) có thể gây ra tình trạng như thế này.
BS Thái cảnh báo, với những người bị chấn thương (tai nạn giao thông, ngã do trèo cây…) nên đến bệnh viện để khám, điều trị. Thường với bệnh nhân gã chấn thương, bệnh nhân có đau vùng trước áp tai rất nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân chủ quan cho rằng là đau do va đập nên không khám. Thực tế, những ca bệnh đến viện khám bởi đau vùng trước áp tai thì phần lớn có gãy lồi cầu. Chính vì gãy lồi cầu 2 bên gây ra tình trạng cứng khớp, dần khiến bệnh nhân khít hàm, không thể há mở miệng như bình thường.
“Khi bị tổn thương như thế này, nếu được điều trị ngay sẽ hạn chế được tình trạng khít hàm. Có thể bệnh nhân chỉ cần phục hồi chức năng, tập luyện là có khả năng há mở miệng trở lại. Còn nếu để lâu, người bệnh sẽ phải trải qua cuộc phẫu thuật khó khăn, chi phí điều trị cũng lớn hơn rất nhiều. Vì thế, sau chấn thương, người bệnh có đau vùng áp trước áp tai nên đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý sớm”, BS Mỹ khuyến cáo.
Đây là bệnh nhân thứ 2 được BV phẫu thuật trong vòng hơn 3 tháng qua sau hàng chục năm không há được miệng. Trước đó, một bệnh nhân nữ 46 tuổi ở Hà Nội bị khít hàm hơn 30 năm đã được phẫu thuật thành công. Cả hai bệnh nhân này đều bị khít hàm sau chấn thương do tai nạn nhưng không được điều trị đúng dẫn đến tình trạng phải chung sống với chứng khít hàm hàng chục năm và phải ăn thực phẩm loãng để duy trì sự sống. Bệnh nhân nữ 46 tuổi sau 2 tháng được chữa khỏi chứng khít hàm đã lên được 4kg bởi lấy lại được cảm giác ngon miệng khi được nhai thức ăn, cơm, không còn phải nuốt cháo loãng.
Hồng Hải