“Nổi gân” bắp chân, dấu hiệu suy tĩnh mạch chi

(Dân trí) - Sự xuất hiện các đường vằn vện màu xanh, đỏ như... giun, mạng nhện ở dưới da bắp chân không chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ, khiến chị em mặc cảm mà bệnh có thể gây nhiều biến chứng.

“Nổi gân” ngoằn ngoèo

Chị N.T.Hương (35 tuổi, ở Trương Định, Hà Nội) bỗng dương bị nổi gân vằn vện ở bắp chân, nổi những đường to như giun đũa sau khi sinh con được 11 tháng.  Cả mẹ chồng và mẹ đẻ đều cho rằng, khi mới sinh, do chị không chịu kiêng khem sau sinh, tắm, kỳ cọ quá sớm gây nổi gân. Đem lo lắng hỏi bác sĩ, chị mới biết mình bị suy tĩnh mạch chi dưới.
 
“Nổi gân” bắp chân, dấu hiệu suy tĩnh mạch chi - 1

BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa TƯ cho biết, bỗng dưng bị nổi gân vằn vện dưới da bọng chân như trường hợp chị Hương không phải là cá biệt mà rất phổ biến. Theo ước tính, hiện có khoảng 25- 35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở nhiều mức độ. Riêng tại Bệnh viện (BV) Lão khoa TƯ, mỗi tuần cũng có hơn 30 bệnh nhân tới khám và điều trị do mắc bệnh này. Phần lớn bệnh nhân là nữ giới, từ 35 tuổi trở lên.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị giãn các tĩnh mạch lưới ở dưới da, tạo thành hình vằn vện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, cũng có người chỉ là những đường tĩnh mạch nhỏ như mạng nhện... khiến nhiều chị em rất mặc cảm. Lâu dần, tình trạng này nặng dần khiến máu bị ứ trệ ở chân sẽ khiến bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở quanh mắt cá chân... gây khó chịu, khiến người bệnh luôn có xu hướng vận động chân như rung, gác chân lên cao.... Nặng hơn nữa, màu da ở chân sẽ bị thay đổi, chàm hóa da. Đáng nói, không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà tình trạng tắc tĩnh mạch này có thể gây biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc mạch phổi và nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Theo BS Trung Anh, suy tĩnh mạch chi dưới liên quan đến nhiều yếu tố như đồ tuổi, cân nặng, giới tính (nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới), đặc biệt là liên quan đến công việc. Với nữ giới có công việc càng đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh...

Có thể điều trị bằng laser

Với bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, tùy vào độ nặng của bệnh mà được chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp như nội khoa (bệnh nhẹ) và và điều trị ngoại khoa như chích xơ, phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch bị giãn... Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật rút bỏ các tĩnh mạch giãn đòi hỏi phải gây tê tích cực, bệnh nhân phải nằm viện, có sẹo và có thể có các nguy cơ biến chứng do phẫu thuật.

Còn trên thế giới, ngoài hai phương pháp trên thì phương pháp Laser nội tĩnh mạch đã được áp dụng nhiều. Và mới đây, bệnh viện Lão khoa là bệnh viện công đầu tiên ở miền Bắc triển khai phương pháp này.

Phương pháp này mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh. Đó là sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể vận động ngay, xuất viện ngay và đi lại bình thường, không phải có thời gian hậu phẫu như phương pháp ngoại khoa trên. “Đến nay tại viện đã có trên 50 bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp này. Kết quả sau 6 tháng điều trị, toàn bộ tĩnh mạch được đốt bằng laser đã teo hết hoặc chỉ nhỏ sợi xơ mướp. Các bệnh nhân đều hết mọi triệu chứng khó chịu từng gặp trước khi điều trị...”, BS Trung Anh nói.

Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay cho những bệnh nhân muốn được điều trị phương pháp này, đó là chi phí điều trị khá cao, bệnh nhân phải chi trả hoàn toàn. Hiện nay, chi phí điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp Laser nội tĩnh mạch ước khoảng hơn 1.000 USD. Đây là nguyên nhân khiến dù triển khai được một năm nay, nhưng mới có trên 50 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này.

Trước khó khăn này, hiện BV Lão khoa TƯ đang đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc đưa phương pháp này vào danh mục kỹ thuật được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Theo BS Trung Anh, với những bệnh nhân có các triệu chứng trên nên tới viện khám để được điều trị, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh. Nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép để điều trị bằng phương pháp Laser nội tĩnh mạch thì vẫn có thể điều trị nội khoa, kết hợp với việc thay đổi chế độ sinh hoạt, thường xuyên vận động tránh đứng, ngồi quá lâu và nên có thời gian đi lại ngay trong phòng, không ngồi lỳ từ sáng đến tối. Ngoài ra cần chú ý giữ mức cân nặng cơ thể hợp lý, nên bỏ thuốc lá...

Tú Anh

Dòng sự kiện: Nội lực ngành Y